Thanh tra phải chịu trách nhiệm
Chiều 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Thanh tra sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp |
gia hân |
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu về việc thể hiện tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra trong dự thảo luật.
“Khi kết luận thanh tra có những vấn đề phức tạp thì quyền hạn của trưởng đoàn đến đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nêu và đề nghị các cơ quan soạn thảo và thẩm tra cho biết thực tế ở T.Ư và địa phương đang giải quyết vấn đề này ra sao.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật cũng cố gắng xử lý, phân định trách nhiệm mang tính chuyên môn đảm bảo tính độc lập của đoàn thanh tra trong kết luận thanh tra với thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.
"Về nguyên tắc đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm về kết quả thanh tra của mình. Tức là anh đi thanh tra, anh thấy vi phạm anh phải kết luận. Nếu anh kết luận không vi phạm anh cũng phải chịu trách nhiệm về việc đó", ông Tùng nhấn mạnh.
Công tác thanh tra chưa đảm bảo tính độc lập
Giải trình thêm, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết dù luật hiện hành đã quy định, song thực tế tính độc lập về chuyên môn của thanh tra chưa đảm bảo.
Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong giải trình tại phiên họp |
gia hân |
Ông Phong dẫn chứng thực tế ở địa phương, với các cuộc thanh tra phức tạp, chánh thanh tra thường xin ý kiến chủ tịch tỉnh bằng miệng chứ không bằng văn bản nên việc “bị tác động” thường không bằng văn tự.
Ở T.Ư, ông Phong nêu thực tế: “Không biết từ bao giờ, tất cả các cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ đều phải báo cáo xin ý kiến Thủ tướng”. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng không có thời gian xem, chủ yếu là Phó thủ tướng xem, sau đó lại xin ý kiến các bộ, ngành.
“Mà các bộ, ngành hiện nay có ý kiến thì rất chung chung, vì vậy mà nhiều ý kiến nhưng không thu được hiệu quả. Cái thanh tra kiến nghị về trách nhiệm các bộ, ngành đó thì thường né ra", ông Phong nêu, và cho hay điều này dẫn đến tình trạng “có những kết luận 5, 6 năm chưa ban hành được, nó mất hết tính thời sự”.
Đề cập hướng sửa đổi luật, ông Phong cho biết, dự thảo đã quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra ký ban hành kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận, kiến nghị của mình.
“Tức là có tính độc lập ở đây”, ông Phong nhấn mạnh, và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào dự luật các trường hợp thanh tra do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng giao hoặc liên quan tới quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo.
“Nói thực khi Thanh tra trình lên Phó thủ tướng chủ trì, các bộ, ngành thì cuối cùng chốt mỗi câu là Thanh tra phải rà soát và chịu trách nhiệm trước pháp luật toàn diện. Có xin hay không xin thì chúng tôi cũng chỉ tham khảo thôi, không có hiệu lực gì về mặt nhà nước giữa thẩm quyền, trách nhiệm”, ông Phong nói.
"Cứ đi xin như vậy là trái pháp luật"
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị xác định rõ hơn thẩm quyền cơ quan thanh tra, đoàn thanh tra, các cơ quan thanh tra trong hệ thống.
Ông Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận |
gia hân |
“Huyện thì bảo sở, sở bảo huyện, cuối cùng không ai làm, phải khắc phục được chuyện đó”, ông Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Định đề nghị làm rõ quy trình thanh tra và thực hiện kết luận thanh tra, công bố kết luận thanh tra; xác định cụ thể việc gì xin ý kiến, việc gì cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có quyền chỉ đạo điều hành theo thẩm quyền của mình.
Ông Định cũng nhấn mạnh cần làm rõ tính độc lập của đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra và gắn với trách nhiệm theo pháp luật.
“Ngược lại cũng đề nghị đoàn thanh tra, cơ quan thanh tra, chánh thanh tra không làm việc như anh Phong nói lâu nay là cứ tự nhiên xin đấy cũng là một biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Ông phải kết luận, phải chịu trách nhiệm chứ ông cứ đi xin như vậy là trái pháp luật”, theo ông Định.
Bình luận (0)