Thanh tra đường thủy không có trách nhiệm bắt cát tặc!

21/03/2017 12:50 GMT+7

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thừa nhận thanh tra có trách nhiệm khi để xảy ra vấn đề khai thác cát trái phép , nhưng cho rằng thanh tra đường thủy không có trách nhiệm bắt cát tặc.

Ông Hoàng Hồng Giang đã trao đổi với báo chí bên lề cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng với Bộ GTVT sáng nay.
* Cục Đường thủy nội địa đã đình chỉ 3 thanh tra sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh có kiến nghị với Thủ tướng. Hiện phía Thanh tra giao thông đường thủy đã có báo cáo như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Hồng Giang: Lực lượng thanh tra đường thủy báo cáo ban ngày không có hiện tượng khai thác trái phép nhưng ban đêm họ không nắm được. Vì đây là lực lượng thanh tra chuyên ngành, chỉ có 3 người phụ trách. Việc kiểm soát trên sông phải có lực lượng cảnh sát, giao thông đường thủy và cơ quan chức năng địa phương. Việc khai thác cát, 1 tàu cát hoạt động phải mất 3 - 4 tiếng, tiếng máy nổ rất to, như báo cáo của Bắc Ninh, tới 40 tàu khai thác thì cả huyện phải nghe thấy. Các lực lượng Công an và cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra, xử lý. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh sự vào cuộc của địa phương là cực kỳ quan trọng với hoạt động khai thác cát trên sông nói chung.
Theo số liệu của Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 2 báo cáo, trong 14 tháng, trên tuyến sông Cầu có 1.700 con tàu hoạt động, mỗi tháng có khoảng 100 lượt tàu trên sông đó, nhưng nếu theo báo cáo của Bắc Ninh phản ánh, 1 ngày có 40 - 50 con tàu thì mỗi tháng phải hàng trăm con tàu. Cục Đường thủy sẽ chủ động kiểm tra các số liệu từ cảng vụ, lực lượng bảo trì trên sông.
* Vậy theo ông, trong trường hợp này không có sự tham gia của chính quyền địa phương?
Tôi không muốn nói có sự tham gia của địa phương hay không, mà cần có sự phối hợp của địa phương trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Cả nước có gần 2.000 bến bãi không phép, dẹp bến bãi không phép là trách nhiệm của địa phương. Đây cũng chính là nguồn hoạt động của cát tặc.
* Đến nay, việc đình chỉ 3 Thanh tra đường thủy khu vực sông Cầu đã phát hiện vấn đề gì chưa?
Chi cục đường thủy đang yêu cầu các thanh tra tiếp tục có giải trình, theo quyết định đình chỉ hôm qua là hết hạn (ngày 20.3) nhưng Cục Đường thủy cho kéo dài thời hạn đình chỉ để làm rõ vấn đề.
Theo quan điểm của tôi, không thể nói thanh tra của Chi cục không có trách nhiệm. Vì anh được giao quản lý kết cấu hạ tầng ở khúc sông đó, khi xảy ra khai thác cát trái phép ở khúc sông, xâm hại đến luồng anh phải nắm được, vì không phải sự việc diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu như phản ánh của Bắc Ninh là đúng, phải nắm được, phải phản ánh, báo cáo, mà không báo cáo thì là trách nhiệm của Thanh tra.
* Ông có ý kiến gì trước việc lãnh đạo của Bắc Ninh bị đe dọa khi quyết dừng các dự án nạo vét sông kết hợp tận thu cát sỏi?
Ở đây, cần xem xét lại vấn đề lợi ích trong việc khai thác cát, còn có sự chồng chéo trách nhiệm của các bên bị cát tặc lợi dụng. Với Cục Đường thủy nội địa, chúng tôi đã đình chỉ, chấm dứt 38/66 dự án. Với số lượng lớn như vậy nhưng cũng chưa từng nhận được phản hồi lại của các chủ đầu tư.
Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa không phải là bắt cát tặc mà là xử lý các vi phạm đường thủy về an toàn giao thông về xâm hại kết cấu đường thủy nội địa. Trách nhiệm bắt cát tặc là của các lực lượng chức năng có trách nhiệm. Chức năng của thanh tra giao thông đường thủy cũng không được lên phương tiện để bắt cát tặc.
* Cục Đường thủy không có trách nhiệm bắt cát tặc nhưng khi phát hiện có cần thông báo cho các địa phương không?
Các Chi cục đường thủy vẫn có thông báo. Theo chủ trương cấp phép nạo vét lòng sông, các tàu nạo vét được hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, những hoạt động ngoài khung thời gian đấy được hiểu là cát tặc. Khi phát hiện cát tặc, các lực lượng chức năng phải vào cuộc làm rõ, còn Cục Đường thủy nội địa không cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động vào buổi tối. Anh hoạt động sau 18 giờ tối là trộm cắp, vi phạm.
Có nhiều đối tượng lợi dụng dự án được cấp phép để hoạt động khai thác cát. Ví dụ như họ vào khu vực đó bảo là được cấp phép, khi đó các lực lượng chức năng cần kiểm tra giấy phép. Hay như ở Bắc Ninh, trong khu vực dự án có 4 tàu được cấp phép, nếu có tàu thứ 5 xuất hiện thì đó là phương tiện của cát tặc.
Cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.