Hồi đầu tháng 9.2021, Thanh tra TP.HCM đã lập đoàn thanh tra, kiểm tra về việc triển khai, tổ chức thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Phạm Văn Nghì, Phó chánh Thanh tra TP.HCM làm trưởng đoàn.
Trong văn bản mới đây, đoàn thanh tra đề nghị các địa phương cung cấp hồ sơ về 8 vấn đề.
Thứ nhất, việc thành lập, hoạt động của các tổ công tác đặc biệt, tổ phản ứng nhanh, tổ Covid-19 cộng đồng, sự phối hợp giữa các lực lượng tại các phường, xã, thị trấn, các vùng nguy cơ cao và rất cao.
Thứ 2 là công tác chăm lo, an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng trong gói hỗ trợ an sinh số 2; công tác cấp phát túi an sinh, chuẩn bị suất ăn cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
|
Từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 5.2021 đến nay, TP.HCM đã chi hỗ trợ 2 đợt và liên tục mở rộng đối tượng được trợ cấp do thời gian giãn cách xã hội kéo dài, cuộc sống người dân khó khăn. Tính đến giữa tháng 9.2021, TP.HCM đã hỗ trợ cho người dân khoảng 6.500 tỉ đồng, bao gồm 1.400 tỉ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.
Hiện TP.HCM đã giao UBND 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức lập danh sách 4 nhóm đối tượng để chuẩn bị cho gói hỗ trợ lần 3 với tổng kinh phí ước tính khoảng 7.500 tỉ đồng, dự kiến bắt đầu chi hỗ trợ từ ngày 22.9.
Đánh giá hiệu quả công tác xét nghiệm
Các nội dung khác mà đoàn thanh tra đề nghị cung cấp thông tin gồm công tác cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong giai đoạn TP thực hiện giãn cách xã hội.
Thứ 4 là công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM.
Thứ 5 là công tác thông tin tuyên truyền và tiếp nhận, xử lý, phản hồi các thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 tại cổng thông tin 1022 (nêu rõ số lượng tin phản ánh được tiếp nhận, kết quả xử lý thông tin).
Thứ 6 là công tác tăng cường các biện pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Nội dung tập trung vào công tác xét nghiệm diện rộng toàn thành phố; việc tổ chức đánh giá mức nguy cơ của các tổ dân phố, tổ nhân dân, xác định các khu phong tỏa để chủ động thực hiện việc xét nghiệm; tổ chức lực lượng đảm bảo mục tiêu, giải pháp thực hiện việc lấy mẫu, nhập liệu, giao mẫu xét nghiệm; đánh giá tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm (test), tần suất xét nghiệm.
|
Về công tác tiêm vắc xin cần nêu rõ tiến độ tổ chức, thời gian tiêm vắc xin, các hình thức tổ chức thực hiện tiêm vắc xin; số lượng mũi vắc xin đã tiêm, tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 và xuất dự trù vắc xin.
Về hoạt động của trạm y tế lưu động, cần báo cáo về việc trang bị và cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà, trang bị bình ô xy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh và hoạt động theo dõi, chăm sóc F0 điều trị tại nhà, công tác phối hợp với tổ phản ứng nhanh khi có bệnh nhân F0 trở nặng…
Thứ 7 là công tác bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo phương án "3 tại chỗ" hoặc phương án "1 cung đường, 2 điểm đến"; việc tổ chức kiểm soát giãn cách xã hội, giấy đi đường và các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và theo các chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Và cuối cùng là kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời gian tiếp theo.
Bình luận (0)