Xử lý cán bộ vi phạm là một trong những yêu cầu được Thường trực Thành ủy TP.HCM nêu ra trong văn bản mới đây về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo đánh giá của Thường trực Thành ủy TP.HCM, thời gian qua, công tác quản lý trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa số công trình thi công hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thiết kế.
Tuy nhiên, công tác quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng vẫn còn những tồn tại, hạn chế rất đáng quan tâm. Cụ thể, một số công trình xây dựng, nhất là nhà ở riêng lẻ chưa tuân thủ đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Còn có sự chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát đánh giá thường xuyên các điều kiện an toàn, ổn định của công trình xây dựng trước và trong quá trình thi công. Năng lực nhà thầu thi công xây dựng, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn hạn chế dẫn đến xảy ra sự cố tại một số công trình gây thiệt hại về tài sản và người trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ bao che, tiếp tay
Do vậy, Thường trực Thành ủy TP.HCM yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở ngành tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23 năm 2019 và các chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP.HCM về quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch, nhà ở.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý trật tự xây dựng gắn với chất lượng công trình, nhất là nhà ở riêng lẻ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, an toàn.
"Kiên quyết xử lý nghiêm minh trách nhiệm các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng, giám sát các công trình xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm về xây dựng, trật tự xây dựng", Thường trực Thành ủy TP.HCM lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện nghiêm quy định về quản lý trật tự xây dựng, chất lượng công trình xây dựng; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có biện pháp xử lý, đề xuất xử lý hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện các trường hợp vi phạm. Các địa phương kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn mà không được kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm.
Lãnh đạo địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị xử lý cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm về xây dựng, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 23 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM hồi tháng 7.2023, Sở Xây dựng thống kê tổng số công trình vi phạm trong 4 năm gần đây là 2.700 công trình, giảm 78% so với bình quân số vụ vi phạm trước đó.
Về xử lý cán bộ, trong 4 năm, TP.HCM kỷ luật 184 trường hợp vi phạm, còn số cán bộ, công chức liên quan lên đến 500 trường hợp.
Bình luận (0)