|
Đó là thiên đường mua sắm đồ đẹp... giá bèo của những cô gái trẻ. Vừa thoải mái trò chuyện, Thảo vừa tỉ tê về gu thời trang là lạ của mình. Câu chuyện với “nàng tiên cá” cứ nhẹ tênh theo từng bước chân...
|
Hát với... bancông!
Một điều thú vị là Hương Thảo cực kỳ nhạy với ánh sáng! “Không cần biết tối ngủ sớm hay trễ, chỉ cần một tia nắng lọt qua cửa sổ là mình bật dậy ngay rồi tự nhủ: Trời sáng rồi, mình phải dậy làm việc thôi!” nên chẳng bao giờ cần đến đồng hồ báo thức. Những ngày tham gia Got Talent, giờ giấc thất thường, luyện tập triền miên khiến Thảo có đôi chút mệt mỏi. Nhưng chỉ cần nhắc đến hai chữ “nhạc kịch”, nụ cười lại quay trở về bên cô như vốn dĩ vẫn nằm ở đó.
“Con thích hát hả? Ừ, thì cứ lên bancông nhé!” - Thảo vẫn còn nhớ như in lời “cổ vũ” của bố mẹ khi thấy con gái suốt ngày mê mẩn với những đĩa nhạc kịch của Sarah Brightman, tập lĩnh xướng theo The phantom of the opera... Mẹ sai đi rửa bát, Thảo vừa hát vừa rửa, mẹ sai đi lau nhà, cũng vừa lau vừa ngân nga. Hình ảnh ấy khiến người ta liên tưởng đến nàng Bạch Tuyết đáng yêu trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Walt Disney, và từ lúc nào Thảo bắt đầu bị mê hoặc bởi giọng hát của những nàng công chúa xinh xắn ấy.
“Bao nhiêu năm Thảo biết đến nhạc kịch là bấy nhiêu năm... hàng xóm hai bên nhà rất “chịu khó” bị làm phiền” - cô nghiên cứu viên của Viện Công nghệ sinh học cười giọng sảng khoái.
Những năm tháng say mê
Năm 2006, tạm biệt Trường Hà Nội - Amsterdam, “ngôi nhà” đầy kỷ niệm suốt những năm cấp III, Hương Thảo lên đường du học tại Bates College (New England, Mỹ) chuyên ngành hóa - sinh.
Đặt chân lên vùng đất được xem là cái nôi của văn hóa Mỹ, cô gái nhỏ không khỏi ngỡ ngàng bởi nước Mỹ văn minh không “dạy” Thảo phải ăn bằng nĩa thay vì đũa, mà dạy cô phải trở thành một con người toàn diện hơn: học và chơi cần “siêu” ngang nhau! Hóa - sinh là một chuyên ngành “khó nuốt” với những buổi học căng như dây đàn, những đêm mò mẫm đến tối mịt trong thư viện mà có lúc “cái đầu mình biết là không thể nhét thêm được gì nữa!” - Thảo lắc đầu.
Chính lúc ấy, âm nhạc là cánh cửa giải thoát cho cô, đưa Thảo vào một thế giới “chơi” thực thụ!
Nếu như ở Việt Nam giọng hát của Thảo chỉ được “trưng dụng” trong mỗi giờ học tiếng Anh để cả lớp... câu thêm giờ, khỏi phải học bài thì ở Mỹ, Thảo được khuyến khích tham gia dàn đồng ca của trường. “Hát lót thôi nhưng rất thích vì ba lần/tuần lại được đứng vào đội ngũ chỉnh tề, tha hồ... hét để giải tỏa stress” - Thảo hào hứng kể lại.
Mà đâu chỉ có những buổi được học hát chính thống với thầy giáo “một gentlemen (quý ông) chính hiệu mà không cô gái nào muốn nghỉ học”, Thảo còn hăng hái ghi tên cả vào những buổi cà phê house - những đêm đàn hát cùng bạn bè bên ly cà phê nóng, nơi mà “ai có năng khiếu gì cứ việc thể hiện!”. Đó cũng chính là lúc cô thầm cảm ơn bố mẹ, những bậc phụ huynh không bao giờ bắt con gái phải đi theo một lối mòn cứng nhắc nào. Vậy nên trong năm năm miệt mài học tập ấy, vẫn có lúc thấy Thảo lang thang ở Paris, lững thững ở Nhật... cùng những học kỳ ngắn hạn để có cơ hội được trải nghiệm và để được xem nhạc kịch ở mỗi nơi khác nhau như thế nào...
Khi nghe tin vở nhạc kịch Dido and Aeneas sắp được công diễn tại Nhà hát lớn TP, ánh mắt Thảo lại bừng lên. “Ồ, Dido là vai solo duy nhất của mình từ hồi tham gia nhạc kịch đến giờ. Mà mình chỉ được hát solo một đoạn lúc Dido chuẩn bị... chết thôi. Ôi những năm tháng say mê...” - cô gái 23 tuổi nhoẻn miệng cười giòn tan...
* Nhiều người nói rất thích thể loại nhạc kịch mà chị đã đem đến sân chơi Got Talent. Chị có thể chia sẻ thêm một chút về sở thích này của mình?
- Có một điều “nhầm nhật” nho nhỏ mà tôi muốn đính chính ngay với khán giả là dòng nhạc kịch tôi thể hiện trên sân khấu của Got Talent không phải là nhạc kịch opera. Đó là điều tôi mơ ước nhưng chắc vẫn còn... xa xa nữa mới với tới được. Nhạc kịch opera đòi hỏi một kỹ thuật điêu luyện và luyện tập nhọc nhằn hơn mà không phải ai cũng có khả năng. Trong khi đó, có một khái niệm nữa là nhạc kịch Broadway dành cho khán giả. Thể loại này “tung tẩy” hơn vì mỗi vở kịch khác nhau lại sử dụng một chất liệu âm nhạc khác. Ví như vở Chicago được phối hợp với nhạc jazz, một số vở khác phối cùng rock... Nhạc kịch Broadway tươi tắn và nhiều màu sắc. Tôi tạm gọi dòng nhạc của mình là nhạc kịch Disney, rất nhẹ nhàng, rất thoải mái, là nơi mà như tôi vẫn hay nói đùa là mình có thể thỏa thuê... hét trên sân khấu (cười)! * Là á quân của Got Talent, nếu có một lời mời, một hợp đồng “béo bở” sau cuộc thi đến với chị, chị sẽ làm gì? - Nói thật là tôi không biết tiêu tiền. Cũng có nhiều người hỏi có buồn không khi không đoạt giải nhất? Tôi không hề buồn phiền gì cả, vì tôi nghĩ giả như có 400 triệu đồng trong tay mình sẽ làm gì? Từ bé, bố mẹ đã dạy cho tôi tính tiết kiệm, và mình luôn là con nhóc chạy khắp nhà để... tắt điện cho mọi người (cười). Vậy nên những hợp đồng “béo bở” không phải là điều tôi quan tâm. Tôi quan tâm mình có được sống đúng là mình sau khi ký những hợp đồng đó hay không. Có người nói đây là cơ hội để “tiến lên luôn”... Ừ thì biết đâu đấy một ngày nào đó tôi sẽ bỏ áo blouse, bỏ ống nghiệm mà đi hát thì sao! Có thể nhưng không phải là bây giờ. |
Theo Tuổi Trẻ
>> Sau Vietnam’s Got Talent, thí sinh làm gì?
>> Bảo Ngọc - Đăng Quân đăng quang Vietnam’s Got Talent
>> Vietnam’s Got Talent: Thí sinh nói gì trước giờ G?
>> Vietnam’s Got Talent: Ai lọt vào top 4?
Bình luận (0)