Trong một nghiên cứu gần đây của ExecuNet (một trang web kết nối các lãnh đạo), 35% nhà tuyển dụng cho biết từng loại ứng viên vì những thông tin tiết lộ trên mạng xã hội dù họ được trang bị hồ sơ xin việc đẹp và xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn.
Không chỉ với ứng viên, ngay cả nhân viên các công ty, tổ chức cũng nên cẩn thận với tính năng “phản chủ” của các trang mạng xã hội hiện hành.
“Bất kỳ lãnh đạo nào cũng quan tâm đến thái độ sống, cách ứng xử và các mối quan tâm của nhân viên. Các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc blog cá nhân chính là công cụ đắc lực. Những nhân viên có thái độ tiêu cực hoặc thiếu chuyên nghiệp sẽ bị cân nhắc trước các cơ hội đề bạt, bị nhắc nhở và thậm chí đuổi việc nếu không còn phù hợp với công ty” - ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết.
Nhiều nhà lãnh đạo cũng tiết lộ ba điều họ hoàn toàn không muốn thấy trên mạng xã hội của nhân viên cấp dưới: nói xấu sếp và đồng nghiệp; thể hiện thái độ sống lệch lạc, tiêu cực; đăng nhập, bình luận, sử dụng các tính năng của mạng xã hội trong giờ làm việc. “Việc một bạn trẻ cập nhật trạng thái hoặc đăng bài viết nói xấu người trong công ty đồng nghĩa chính bạn ấy viết đơn xin thôi việc - ông Quỳnh nhấn mạnh - Chưa hết, tôi cam đoan chẳng sếp nào trả tiền thuê nhân viên để họ truy cập Facebook trong giờ làm việc”.
Mạng xã hội là phương tiện đắc lực, đặc biệt đối với giới trẻ, trong việc tăng cường các mối tương tác, kết nối với cộng đồng. Đồng thời, nó gánh trách nhiệm là kênh truyền tải những tâm tư, trạng thái mà họ không thể hiện trong đời thực vì nhiều lý do. Tuy nhiên, không nhiều bạn trẻ ý thức mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi đối với thương hiệu cá nhân của chính họ trong thời đại cạnh tranh khốc liệt.
Trao đổi với sinh viên trong chương trình “Tự tin khởi đầu thành công mới” do VietnamWorks tổ chức, chị Thanh Nguyễn - giám đốc điều hành Anphabe - lưu ý: “Nếu các bạn thật sự có ý thức về việc xây dựng thương hiệu cá nhân, hãy làm hoàn hảo ngay trên chính Facebook của mình. Hãy chỉ phơi bày trên mạng xã hội những mặt tốt, tích cực, tính chuyên nghiệp”. Còn ông Quỳnh gợi ý các bạn trẻ chia sẻ chuyện buồn, bức xúc trong các hội nhóm nội bộ hoặc gắn nhãn riêng tư để hạn chế người đọc.
Theo Tuổi Trẻ
>> Nợ một câu trả lời
>> Vì sao bạn khó được thăng tiến?
Bình luận (0)