Những năm gần đây, khi các show diễn thời trang trong nước ngày càng ít đi thì cơ hội để người mẫu nam trình diễn càng hiếm hoi. Một số người mẫu nam đã phải “rẽ đường” tìm đất sống, không thể bám trụ với đam mê.
|
Các show diễn đình đám liên quan thời trang như Duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Việt Nam, Một thoáng Sài Gòn, Đẹp Fashion show, Elle fashion show… hiện cũng ít sử dụng người mẫu nam, nếu có thì họ hầu như chỉ làm nền cho mẫu nữ.
Đất diễn cho mẫu nam để “cầm cự” với nghề giờ chỉ có các show ghi hình hằng tháng cho các đài truyền hình như: Thời trang và cuộc sống, Thời trang và đam mê, Thời trang và nhân vật, Phong cách trẻ… Cát sê cho mỗi show diễn này cũng chỉ từ vài trăm đến 1 - 2 triệu đồng.
Ít show diễn, nhưng nếu như mẫu nữ có danh hiệu cao vẫn có thu nhập ổn nhờ đi dự sự kiện với cát sê từ 1.000 - 3.000 USD, thì mức cát sê cho một số nam người mẫu nổi tiếng có giải thưởng tại cuộc thi Manhunt và Nam vương quốc tế như Hồ Đức Vĩnh, Quang Hòa, Ngô Tiến Đoàn, Vĩnh Thụy, Trương Nam Thành, Nguyễn Quang Huân, Lê Khôi Nguyên, Bá Đạt… thấp hơn nhiều. Vậy nên đến thời điểm này, nhìn lại các gương mặt nói trên chỉ còn vài người bám trụ với nghề.
Đối với các ông bầu chuyên đào tạo người mẫu nam, vấn đề làm sao để người mẫu nam của họ có thể sống, tồn tại là một câu hỏi lớn khó đáp. Vậy nên ngày càng hiếm công ty, ông bầu dám “dính” đến người mẫu nam. Anh Phúc Nguyễn (người chuyên đào tạo mẫu nam) thẳng thắn thừa nhận: “Thu nhập không đủ để các bạn trang trải cho cuộc sống lấy gì đến các nhà đầu tư hay bầu show đầu tư cho họ. Càng ngày người mẫu nam càng mờ nhạt...”.
Song song với việc đất diễn bị thu hẹp, những gương mặt được phát hiện từ các cuộc thi không còn cơ hội tỏa sáng. Đình đám như Siêu mẫu Việt Nam năm 2013 cũng không thể tìm ra gương mặt nam xứng đáng để trao giải vàng. Vietnam’s next top model lần đầu có người mẫu nam 2013 với 2 gương mặt trong top 4: Tuấn Việt, Văn Kiên chẳng có gì nổi bật để khán giả nhớ cho đến hôm nay. 2 quán quân Thần tượng thời trang Ngọc Oanh (nữ), Ngọc Linh (nam) thì người xem chỉ nhớ đến nữ.
Những góc tối trong nghề
Anh Tạ Nguyên Phúc (người có trên 15 năm quản lý người mẫu) buồn rầu: “Các bạn nam giờ đây khi đến với nghề họ hiểu vị trí của mình ở đâu nên phần lớn xem công việc đó là nghề tay trái, cơ hội để tạo mối quan hệ và học hỏi bổ sung cho nghề nghiệp chính sau này”. Anh cho biết đã có nhiều bạn sau khi được đào tạo đã từ giã sàn diễn khi chưa ai kịp biết đến. Có một số bạn đẹp, cộng với may mắn đã làm song song công việc là diễn viên, người mẫu, ca sĩ, thiết kế, MC mới có cuộc sống ổn định như: Bình Minh, Thanh Thức, Hà Bình, Trung Cương, Trương Nam Thành , Duy Nhân, Hùng Trần, Hoàng Phi , Hà Việt Dũng, một số người khác thì chuyển sang kinh doanh: Hoài Nam, Trần Hồng Tú, Thanh Long, Đức Nghĩa, Phan Tuấn Đạt, Phan Thành Nghiệp, Ngọc Thiết, Hoàng Long...
Để trở thành một người mẫu nam được mọi người công nhận là điều không hề dễ dàng. Họ phải nghiêm túc phấn đấu, rèn luyện hình thể cũng như kỹ năng khắc nghiệt trong khi áp lực cạnh tranh, đào thải lại rất cao. Giải vàng Siêu mẫu VN Ngọc Tình buồn bã: “Sự cạnh tranh giữa một rừng người mẫu, trong khi show diễn rất ít dẫn đến có nhiều “góc tối” trong nghề như: tranh giành vị trí vedette, bỏ tiền để được diễn, dựa vào mối quan hệ hay cặp kè bầu show để được diễn là điều bình thường…”.
Dạ Ly
>> Vietnam’s Next Top Model 2013: Người mẫu nam có cơ hội tranh tài
>> Người mẫu nam sau ánh hào quang - Kỳ 4: Tình, tiền và...
>> Người mẫu nam sau ánh hào quang - Kỳ 3: Bẫy rập cuộc đời
>> Người mẫu nam sau ánh hào quang - Kỳ 2: Trọng - khinh sàn diễn
>> Người mẫu nam sau ánh hào quang - Kỳ 1: Nhọc nhằn với giấc mơ “sao”
>> Nghe người mẫu nam hát
>> Nhọc nhằn người mẫu nam
>> Chung kết cuộc thi Người mẫu nam 2006: Vẫn còn nhiều điều suy ngẫm
>> Người mẫu nam"... đắt hàng
Bình luận (0)