Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Se duyên và đỡ đẻ cho thú dữ

Quang Viên
Quang Viên
23/02/2018 09:32 GMT+7

Nhiều loài thú, đặc biệt là thú dữ như sư tử, hổ đã sinh sản thành công tại thảo cầm viên.

Nhưng ít ai biết, để có thêm các cá thể thú như vậy, nhân viên vườn thú phải se duyên, đỡ đẻ cho chúng rất ly kỳ, vất vả.
“Cưới vợ” cho hổ
Với những con hổ khác phái được thuần dưỡng từ lâu tại thảo cầm viên (TCV), theo bản năng tự nhiên, đến thời kỳ sinh sản, hổ đực và hổ cái sẽ đến với nhau theo “tiếng gọi của tình yêu”. Từng quan sát những đôi hổ “yêu nhau” trong TCV, tiến sĩ Phan Việt Lâm, nguyên Giám đốc TCV, chia sẻ những điều rất thú vị.
Theo đó, hổ cái có chu kỳ sinh dục khoảng 30 ngày. Trong thời gian này, con cái tỏ ra rất thân thiện với con đực. Nó cọ xát thân mình vào thân và mặt con đực “gạ gẫm” cho đến khi con đực đủ hứng để giao phối. Sau đó, đôi hổ sẽ giao phối thường xuyên hơn, khoảng 15 phút/lần và liên tục vài ba ngày như thế. Các “thủ tục yêu” của hổ, nếu không trực tiếp theo dõi, ít người biết. Đầu tiên con đực dùng hàm răng cắn và giữ chặt da cổ con cái để giao phối, nhưng việc này chỉ diễn ra chớp nhoáng trong vòng... 10 - 30 giây! Xong “việc” con cái nằm ngửa ra, dùng chân đánh đuổi con đực và uốn éo quay vòng. Chàng hổ cứ kiên nhẫn nằm chờ riêng một nơi, cho đến khi nàng chủ động bắt đầu đợt giao phối thứ hai thì nó mới tiếp tục “lâm trận”. Nhiều chàng hổ sau một tuần “yêu” tỏ ra mệt mỏi, chân đứng không vững, phải hơn một tuần sau mới phục hồi sức khỏe.
Trong trường hợp phải tìm hổ cái ở vườn thú khác để cho hổ đực có “vợ” xứng đôi vừa lứa thì việc se duyên hết sức phức tạp, khó khăn. Trước hết, phải tìm vườn thú nào có hổ cái đang muốn “lấy chồng” mà chịu gả cho hổ đực của TCV. Tiếp theo, phải có sự cho phép của các cơ quan chức năng. Khi đã sắp xếp được cả hai khâu quan trọng này thì cán bộ TCV lập tức lên đường “bắt dâu”. Vì nếu để lỡ mùa yêu của nàng hổ cái, coi như uổng công “cưới con dâu, sâu con mắt”.
Ở TCV, có 2 chàng hổ trắng sinh năm 2015, mới đây đã “gả vợ” cho 1 chàng. “Cô dâu” là nàng hổ của công viên nước Củ Chi. Anh Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc Xí nghiệp Động vật thuộc TCV, tiết lộ: “Việc se duyên cho đôi hổ này rất vất vả. Chúng tôi phải xây tổ ấm rộng và đẹp, có hồ tắm, thác nước để đôi hổ “tức cảnh sinh tình”. Thế nhưng, chàng chưa bao giờ thấy “con gái lạ” nên nhút nhát. Còn nàng thì lạ cảnh lạ quê cũng không hào hứng và có vẻ hơi khó tính nữa. Lúc đầu, mới đưa hổ cái về phải để ở chuồng ngoài trời, còn hổ đực nhốt bên trong vì sợ chúng đánh nhau. Nhân viên vườn thú phải canh mấy ngày, đến khi “cô dâu” có vẻ xiêu lòng thì mới mở cửa cho “chú rể” ra kết bạn...
Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Se duyên và đỡ đẻ cho thú dữ1
Hổ ở thảo cầm viên trong mùa yêu
Đỡ đẻ cho sư tử
Theo tiến sĩ Phan Việt Lâm, thông thường thì thú họ mèo, trong đó có sư tử và hổ đẻ con dễ dàng, không có nhiều sự cố. Tuy nhiên, vườn thú vẫn phải can thiệp bằng cách mổ lấy thú con. Nguyên nhân thường là do thú mẹ rặn yếu hay ngôi thai không thuận, nếu không can thiệp ngay thì thú con có thể chết. Với sư tử ở TCV vì cận huyết nên các ca đẻ khó xảy ra tương đối nhiều. Anh Mai Khắc Trung Trực cho biết thêm: “Điển hình như năm 2016, con sư tử mẹ nhập về từ Đức đã lớn tuổi vẫn mang thai. Cả TCV trông chờ ngày sư tử mẹ sinh, nhưng đã đến ngày dự sinh vẫn không thấy “nàng” trở dạ nên phải tiến hành mổ đẻ”. Lúc đó, tiến sĩ Phan Việt Lâm là người trực tiếp gây mê và thực hiện ca mổ với sự hỗ trợ của anh Mai Khắc Trung Trực và những đồng nghiệp khác.
Chuẩn bị một ca mổ đẻ cho sư tử, phức tạp hơn cả mổ đẻ cho người. Trước hết, phải cho người túc trực 24/24 để theo dõi các dấu hiệu sinh của sư tử cái. Cuối cùng, khi “chắc cú” là sư tử mẹ không thể sinh tự nhiên một cách an toàn thì mới tiến hành phẫu thuật đỡ đẻ. Với sư tử mẹ, khâu gây mê là cực kỳ quan trọng. Các bác sĩ thú y phải cân nhắc làm sao việc gây mê vừa hạn chế thấp nhất sức khỏe của mẹ con sư tử, vừa đủ thời gian để kíp mổ tiến hành phẫu thuật. Vì điều dễ hiểu, nếu sư tử mẹ tỉnh giấc trong khi đang tiến hành sinh mổ thì nguy hiểm vô cùng. Việc chuẩn bị “buồng sinh”, hồi sức cho sư tử mẹ; tìm nguồn sữa phù hợp với sư tử con đều phải tính toán rất chi li. Dù đã cố gắng hết sức nhưng kíp mổ hôm đó chỉ cứu được 2 trong số 3 con. Tuy nhiên, do là “tác phẩm” của việc giao phối cận huyết nên 1 chú sư tử con sức khỏe kém đã chết không lâu sau đó. Cũng may là “hậu duệ” của sư tử cái có xuất xứ từ Đức vẫn còn một anh chàng khỏe mạnh, mà theo tiết lộ của anh Trung Trực là chàng vừa “phong độ”, vừa rất thân thiện nên đã trên 50 kg mà vẫn dắt đi chơi được.
Thảo cầm viên Sài Gòn - những chuyện 'thâm cung': Se duyên và đỡ đẻ cho thú dữ2
Nuôi bộ sư tử con
Nuôi con cho thú dữ
Hổ hoặc sư tử sinh con trong môi trường nuôi nhốt là một thành công đáng ghi nhận của TCV. Năm 2012, hổ vàng Bengal đã đẻ hai lứa tổng cộng 6 con. Hổ trắng cũng đã sinh 3 con năm 2015. Kỷ lục một lần sinh nhiều con nhất thuộc về nàng hổ Đông Dương được đặt tên My với 5 hổ con, và đặc biệt toàn là “gái”. Còn sư tử châu Phi cũng đã đẻ con ngay trong TCV. Tuy nhiên, đây là trường hợp đẻ khó nên các bác sĩ thú y phải mổ lấy sư tử con.
Việc chăm sóc và bảo vệ đàn con thuộc loài thú quý hiếm như hổ, sư tử không phải đơn giản. Đặc biệt, trong một số trường hợp cần thiết phải tách con ra khỏi mẹ để nuôi bộ (nuôi không có sữa mẹ). Chẳng hạn, khi thú mẹ sinh mổ, thiếu sữa, bỏ con, không thể cho con bú, hay có dấu hiệu ăn con thì việc tách con non ra nuôi bộ là cần thiết. Tại TCV, khi hổ My sinh 5 thì 2 con phải tách ra nuôi bộ do My thiếu sữa. Hổ vàng Bengal năm 2017 sinh 2 con nhưng không có sữa nên con cũng được nuôi bộ. Còn sư tử sinh mổ, con của nó cũng được nuôi bộ. Các nhân viên nuôi bộ được gọi là “mẹ nuôi”. Họ phải có tình yêu động vật và cực kỳ nhẫn nại để chăm từng chút sữa, bón từng tí thức ăn cho các “hổ tử”, sư tử con. Ngoài ra, còn phải tập cho con của các loài thú này từ đi đứng, “giao tiếp” và những tập tính đặc trưng của loài để khi chúng trưởng thành có thể hòa nhập, sinh sống cùng bầy đàn một cách tốt nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.