"Thủ tục hành chính thông qua con người bị làm phức tạp lên"
Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam (Hà Nội) hiện xuất khẩu sản phẩm tới trên 20 quốc gia, đang ấp ủ những kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh. Dù vậy, theo ông Cao Văn Hùng, Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế của doanh nghiệp (DN) này, công ty đang khá trăn trở trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn.
"Thủ tục khá nhiều khiến các DN muốn đầu tư, chớp cơ hội ngay gặp các vướng mắc. Ví dụ, đơn hàng sắp tới, khách hàng muốn triển khai dòng sản phẩm mới, trong khi DN đang thiếu máy móc. Có thể với nguồn lực nội tại, các DN cần sự bổ sung mới có được máy móc đáp ứng yêu cầu", ông Hùng nói.
Đánh giá chung về "bức tranh" phát triển DN, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), cho rằng Việt Nam chắc chắn không thể đạt mục tiêu phấn đấu đạt 1,5 triệu DN vào năm 2025.
"97% DN hiện nay là DN quy mô vừa và nhỏ, gần như 100% DN vừa và nhỏ là DN tư nhân. Chất lượng các DN còn khá thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới", ông Phương nói.
Bên cạnh yếu tố tình hình kinh tế thế giới tác động tới kinh tế trong nước, phân tích nguyên nhân khiến hoạt động của DN, đặc biệt là DN tư nhân còn gặp nhiều khó khăn, ông Phương cho rằng: "Thủ tục hành chính đã đơn giản hóa khá nhiều, nhưng thông qua những con người thực thi vẫn bị làm cho phức tạp lên, họ kiếm chác quyền lợi trong đó.
Ngoài ra, DN vừa và nhỏ còn đối mặt khó khăn trong tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh, điển hình là tiếp cận vốn. Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ giúp DN tiếp cận vốn, nhưng DN đi vay phải qua ngân hàng thương mại. Cho vay 1.000 DN nhỏ chưa bằng cho 1 DN lớn vay, trong khi ngân hàng phải đối diện rủi ro lớn, mất nhiều thời gian thẩm định".
Vị chuyên gia cũng đề cập khía cạnh chi phí sản xuất, kinh doanh còn cao và phiền hà từ nạn tham nhũng vặt. "Chi phí lao động bắt đầu tăng, đồng thời Việt Nam hiện là nước có chi phí logistics vào loại cao nhất khu vực.
Việt Nam chống tham nhũng rất mạnh, song hệ thống quản lý chưa thực sự trong sạch. Có nhiều trường hợp, nếu DN không đi cửa sau, không lót tay thì việc không chạy. Nói chung, tất cả các yếu tố tổng hòa làm giảm năng lực cạnh tranh của DN", ông Phương nhấn mạnh.
Nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm về "điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư), thẳng thắn chỉ ra, thời gian qua nói nhiều về cải cách thể chế, song chưa nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt theo hướng tạo thuận lợi cho DN.
Trước đây, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực hiện rất tốt, một thời gian sau khi không còn giám sát thường xuyên, nhiều điều kiện kinh doanh lại "nở" ra. Một số hoạt động liên quan quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng lồng ghép các hoạt động quản lý…
"DN lớn có đội ngũ chuyên nghiệp, có thể có đường đi nước bước phù hợp, nhưng DN nhỏ khi đối mặt quá nhiều rào cản, điều kiện, họ bị nản, chần chừ trong quyết định hoạt động kinh doanh", bà Thảo nói.
Rà soát tổng thể, tháo điểm nghẽn về điều kiện kinh doanh
Thực tế, thời gian qua có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN được triển khai nhằm trợ lực giúp các DN vượt qua khó khăn, nhất là thời điểm từ khi bùng phát dịch Covid-19 tới nay.
"Có tới hàng trăm chính sách. Loại chính sách rất hiệu quả là chính sách mà đối tượng thụ hưởng là mọi DN, gần như không cần xét duyệt, làm thủ tục gì, điển hình như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Trong khi đó, có những chính sách phải xét duyệt để chọn ra đối tượng thụ hưởng, xét duyệt là cần thiết song thực thi lại động đến hệ thống quản lý, thủ tục hành chính rườm rà, thường ít hiệu quả", ông Phương đánh giá.
Nhận định DN là trụ cột của tăng trưởng kinh tế, theo bà Thảo, để trợ lực cho các DN, đặc biệt là khối kinh tế tư nhân, ngoài thúc đẩy những chính sách hỗ trợ hiệu quả, cần tiếp tục chú trọng cải cách điều kiện kinh doanh, phải rà lại tổng thể, nhận diện bất cập để tháo gỡ điểm nghẽn về điều kiện kinh doanh.
"Các cơ quan đã có những cải cách về pháp lý, cần có cơ quan giám sát việc thực hiện. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh thủ tục hành chính điện tử nhằm giảm tiêu cực phát sinh trong thực thi. Cứ làm tốt những điều này, tự khắc DN sẽ mạnh lên", bà Thảo đề xuất.
Theo ông Cao Văn Hùng, các DN đang muốn trở thành những "sếu đầu đàn" cần nguồn lực rất lớn để mở rộng quy mô, thị trường; cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển… Thời gian tới, rất cần sự chung tay của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm hỗ trợ thêm cho các DN thực sự muốn triển khai những hoạt động như vậy.
Nhận định yếu tố khách quan thúc đẩy kinh tế phát triển là sự khởi sắc của kinh tế thế giới, song theo ông Phương, yếu tố chủ quan cũng rất quan trọng.
"Cải cách thể chế Việt Nam đã làm rất nhiều, đơn giản hóa thủ tục cũng rất nhiều, nhưng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, chỉ có như vậy mới khơi dậy được nguồn lực.
Cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho DN, làm sao cho DN tiếp cận vốn, đất đai tốt hơn… Đương nhiên, các DN phải làm sao tận dụng tối đa chứ không chỉ lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đó DN tự đổi mới, vươn lên...", ông Phương nói.
Bình luận (0)