Tháo điểm nghẽn dự án vành đai 3 và 4 cho Hà Nội, TP.HCM

Mai Hà
Mai Hà
05/05/2022 23:28 GMT+7

Tại tọa đàm Phát triển đường vành đai liên kết vùng hôm qua (4.5), Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nguồn vốn Chính phủ dự kiến cân đối cho dự án vành đai 4 vùng thủ đô trên 28.000 tỉ đồng; 3 địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh cũng cần cân đối trên 28.000 tỉ đồng, trong đó Hà Nội là chủ yếu.

Theo dự kiến, tổng mức đầu tư dự án lên tới 85.813 tỉ đồng, gồm 3 nhóm dự án thành phần: nhóm 1 là giải phóng mặt bằng, nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp và nhóm 3 theo hình thức PPP. Trong đó, vốn đầu tư nhóm 1 và 2 do ngân sách T.Ư và địa phương đảm nhận, nhóm 3 do nhà đầu tư BOT chịu trách nhiệm với tổng mức lên tới 29.410 tỉ đồng.

Với dự án đường song hành dưới thấp do 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đảm nhận, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Ngoài ra, dự án PPP - BOT do nhà đầu tư đảm nhận phải triển khai xong vào năm 2025.

Về cơ chế chính sách, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT cùng Hà Nội, TP.HCM đã phối hợp nghiên cứu đề xuất để Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù gồm phân cấp phân quyền, chỉ định thầu, vật liệu và nguồn vốn cho đầu tư. Cụ thể, về cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, đề xuất cho sử dụng linh hoạt nguồn vốn của ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương để phát triển dự án.

Cho phép tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương. Bộ và các địa phương cũng đã kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024 - 2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026 - 2030.

Theo ông Dương Bá Đức, Vụ phó Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), Nghị quyết 29 của Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn có tổng vốn 2,87 triệu tỉ đồng, ngân sách T.Ư 1,5 triệu tỉ đồng, ngân sách địa phương 1,34 triệu tỉ đồng. Ngoài 10% đã phân bổ cho bộ, ngành và địa phương, phần để lại chưa sử dụng sẽ tập trung cho 2 tuyến đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 3 vùng thủ đô. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sử dụng nguồn vốn này theo chủ trương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.