Theo Sawaco, 8 thủy đài hình nấm bằng bê tông cốt thép với dung tích 1.200 - 8.500 m3, được xây dựng từ năm 1965 - 1969. UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cải tạo 7/8 thủy đài này để phục vụ cấp nước an toàn và chỉ giữ lại 1 thủy đài làm di tích.
Tháo dỡ để làm bể ngầm
Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết trước đây khi công suất cấp nước cho TP còn hạn chế, các thủy đài được xây dựng để điều hòa áp lực, lưu lượng cho mạng lưới cấp nước. Lượng nước sẽ được trữ vào thủy đài ở những giờ thấp điểm và sẽ được hòa vào mạng lưới trong những giờ cao điểm để duy trì áp lực, lưu lượng.
Tuy nhiên, đến nay hệ thống cấp nước của TP cơ bản đã đảm bảo về công suất, nên Sawaco đề xuất phương án chuyển đổi công trình thủy đài thành bể chứa nước dự trữ ngầm cùng với trạm bơm tăng áp, tạo điểm chứa nước tập trung phục vụ an toàn cấp nước toàn TP khi xảy ra sự cố, đồng thời phục vụ PCCC. Đây cũng là nơi để châm bổ sung hóa chất (clo) nhằm duy trì chất lượng nguồn nước cung cấp.
Theo Sawaco, các trạm cấp nước trung gian này sẽ được xây dựng với chất liệu bằng thép hoặc bê tông được đặt dưới đất, bên trên bể chứa có thể xây dựng các công trình khác như văn phòng làm việc...
Theo ông Sử, Sawaco sẽ triển khai tháo dỡ trước 2 thủy đài gồm thủy đài A trên đường 3 tháng 2 (Q.11), thủy đài B trên đường Lê Đại Hành (Q.11) do có mặt bằng thuận lợi. Qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc tháo dỡ các thủy đài sát nhà dân.
Trong tháng 7 này sẽ tiến hành đấu thầu rộng rãi và hoàn tất tháo dỡ thủy đài A, B trong quý 4/2016. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các thủy đài còn lại sẽ được tháo dỡ trong quý 2/2017. Đặc biệt, theo Sawaco, để đảm bảo phương án này hiệu quả và không sử dụng vốn ngân sách, Sawaco đề nghị được hợp tác với nhà đầu tư bên ngoài cùng thực hiện.
Không nên vội vàng
Theo TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn, các thủy đài không sử dụng không có nghĩa nhất thiết phải cải tạo theo hướng đập bỏ mới tốt. Chính quyền TP.HCM không nên vội vàng đập bỏ các thủy đài khi chưa có giải pháp ổn thỏa. Và đặc biệt, không nên đập bỏ các thủy đài rồi mới đi tìm đối tác làm dự án. Ông cho rằng có rất nhiều phương án cải tạo thủy đài, nhất là 7/8 thủy đài hình nấm mà Sawaco định đập bỏ. Trong đó, ngoài lựa chọn đập bỏ để làm bể chứa nước ngầm và sử dụng mặt bằng ở trên, có thể giữ lại nguyên kết cấu hiện nay, đồng thời cải tạo thành các chức năng khác như: khu triển lãm, nhà kho, hay thậm chí các quán cà phê…
Về phương án làm bể nước ngầm mà Sawaco đề xuất, ông Sơn lưu ý nên cân nhắc cẩn thận. Bởi hiện nay ở nhiều đô thị trên thế giới vẫn sử dụng thủy đài vì nó có nhiều lợi thế như khả năng tạo áp suất trong việc cấp nước, không bị thẩm thấu… Vì vậy, vấn đề với các thủy đài tại TP.HCM là cải tạo như thế nào để có hiệu quả cao nhất chứ không nên vội vàng. Thậm chí, TP.HCM có thể xây thêm các thủy đài khác, nhưng hiện vẫn chưa thấy TP có phương án xây thủy đài.
Trong khi đó, TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh lại cho rằng 8 thủy đài hình nấm hiện hữu trên địa bàn TP.HCM vốn được xây dựng thời chế độ cũ, không kết nối với hệ thống cấp nước của TP hiện nay. Các thủy đài đã tồn tại hàng chục năm và hiện nay không sử dụng thì cũng chẳng cần để lại. Thế nhưng, vấn đề là mặt bằng diện tích đất tương đối lớn của các thủy đài, sau khi tháo dỡ cần sử dụng vào việc gì cho hiệu quả. Theo ông Phạm Sanh, nên ưu tiên sử dụng cho những công trình công cộng như trường học, trạm y tế... Sau khi tham khảo các sở ngành, các nhà khoa học và địa phương liên quan, nếu các công trình công cộng đã đủ rồi thì tốt nhất nên tổ chức đấu giá công khai, chứ không nên giao cho một đơn vị nào.
Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM (nay là Sở GTVT), thành viên Ban Chấp hành Hội Nước và môi trường TP.HCM, bày tỏ: “Nếu để nguyên các thủy đài thì cũng lãng phí về mặt công trình và khu đất. Còn để làm kỷ niệm cũng cần nhưng thật ra không phải gì ghê gớm”. Theo ông Văn, đây là các công trình không đạt yêu cầu, chỉ cần để một thủy đài làm kỷ niệm là được.
|
Bình luận (0)