Tháo gỡ khó khăn, giúp Cần Thơ phát huy vai trò 'đầu tàu' ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
11/10/2023 06:57 GMT+7

Chiều 10.10, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ và đoàn công tác T.Ư đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ. Cùng dự còn có Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc, TP.Cần Thơ kiến nghị nhiều nội dung quan trọng trong việc triển khai các cơ chế, chính sách Nghị quyết của QH, Bộ Chính trị. Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ, tổng hợp trình Chính phủ chấp thuận, trình QH thông qua mức trần nợ chung làm cơ sở để thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc vay các định chế tài chính khác theo quy định trong 2 năm 2024 và 2025 với số vốn vay từ 3.000 - 4.000 tỉ đồng. Mục đích để đầu tư xây dựng công trình trọng điểm, các dự án tái định cư, công trình chống sạt lở bờ sông và chỉnh trang đô thị…

Tháo gỡ khó khăn, giúp Cần Thơ phát huy vai trò “đầu tàu” ĐBSCL  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác T.Ư làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ

MINH TRUNG

Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện xã hội hóa nghiên cứu chuyên sâu về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Sông Hậu. Bộ NN-PTNT tiếp tục hỗ trợ thành phố sớm triển khai thực hiện các thủ tục có liên quan để trình Thủ tướng xem xét, quyết định dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ...

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả TP.Cần Thơ đã đạt được, nhất là giai đoạn 2021 - 2023, trong bối cảnh vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì, phục hồi và phát triển KT-XH nhưng tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 5,91%/năm.

Chủ tịch QH cũng lưu ý về năng lực sản xuất mới, Cần Thơ chưa có đột phá. Do đó, tăng trưởng kinh tế chậm lại, vai trò "đầu tàu", động lực của ĐBSCL còn hạn chế, chưa có tác động như mong muốn. Chủ tịch QH nhấn mạnh rằng Cần Thơ với lợi thế nằm ở giao điểm của 2 trục hành lang kinh tế đô thị quan trọng của vùng ĐBSCL, cho nên quan điểm phát triển thành phố là công nghiệp hóa, đô thị hóa tại chỗ và thuận thiên.

Đặc biệt, Chủ tịch QH đề nghị Cần Thơ phải nỗ lực cao nhất, khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu như Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị đã xác định là: "Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; trở thành thành phố thông minh đáng sống của VN; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á… Với tầm nhìn, mục tiêu lớn như vậy, Chủ tịch QH yêu cầu Cần Thơ trước hết phải chủ động, đánh giá kỹ những tồn tại khó khăn nằm ở đâu, nguyên nhân khách quan chủ quan, thời cơ, thuận lợi thế nào. Từ đó tích cực phối hợp các bộ, ngành T.Ư và các cơ quan của QH kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển.

"Tầm nhìn như vậy thì khát vọng phải lớn. Quyết tâm cao hành động quyết liệt. Phải phát huy vai trò lớn lao trước hết là cho Cần Thơ, cho vùng ĐBSCL và cả nước với tinh thần Cần Thơ vì cả nước, cả vùng, cả nước vì Cần Thơ", Chủ tịch QH nói và đề nghị các bộ, ngành, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất cùng tháo gỡ những khó khăn cho Cần Thơ, từ đó giúp thành phố kiến tạo các năng lực sản xuất mới, động lực tăng trưởng mới.

Đối với các kiến nghị của Cần Thơ, Chủ tịch QH đề nghị Văn phòng QH tổng hợp các đề xuất, kiến nghị để gửi tới các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho địa phương. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Cùng ngày, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ và Đoàn công tác T.Ư đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.