Thông tin trên được ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đầu tư xây dựng phụ trách phía nam (thuộc Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, Bộ GTVT) trao đổi tại diễn đàn kinh tế Việt Nam 2024, phiên thứ 3 với chủ đề "Tháo điểm nghẽn giải ngân đầu tư công" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 15.8.
Ông Cương cho biết tính đến tháng 7.2024, ngành giao thông giải ngân hơn 30.000 tỉ đồng, đạt khoảng 50% kế hoạch của năm, tập trung vào các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đối với vướng mắc về vật liệu, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với địa phương khai thác mỏ, hoàn thành sớm thủ tục để khai thác vật liệu. Hiện các dự án khu vực miền Trung và miền Bắc cơ bản bảo đảm nguyên vật liệu. Riêng vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ gặp một số khó khăn trong nguồn đất, cát, nhất là dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Hiện Bộ GTVT đã làm việc Bộ TN-MT đề xuất giao chỉ tiêu cho từng địa phương trong chuẩn bị nguồn vật liệu để thực hiện dự án. Nguồn cát ở khu vực Tây Nam bộ dự kiến đến tháng 9 năm nay cơ bản được tháo gỡ.
Ước tính tổng nhu cầu cát san lấp cho 5 dự án đường cao tốc vùng Tây Nam bộ và Vành đai 3 TP.HCM cần khoảng 63 triệu m3, đến cuối tháng 6.2024 còn thiếu hụt hơn 24 triệu m3. Nguồn cát này dự kiến lấy từ cát sông và cát thu hồi từ dự án nạo vét khơi thông luồng sông ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long.
Thông tin về dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý giao thông làm chủ đầu tư dự án thành phần 4 (giải phóng mặt bằng) đoạn qua địa bàn.
Hiện tỉnh đã bố trí vốn cho dự án và đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, tổng kinh phí hơn 1.500 tỉ đồng, dự kiến toàn bộ mặt bằng được bàn giao trước ngày 30.4.2025.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng trong ngắn hạn cần giải quyết những vướng mắc về thủ tục, cơ chế điều phối chung, giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, việc sử dụng nguồn vốn kết hợp.
Đơn cử như cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng đang có vấn đề là một địa phương giải phóng mặt bằng xong và 1 bên chưa xong. "Việc quy hoạch lẽ ra đã phải đồng bộ từ sớm nhưng thực tế lại chưa. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất giao thông lại chậm hơn tiến độ triển khai dự án hạ tầng quan trọng", TS Việt dẫn chứng, đồng thời cho rằng cần làm tốt khâu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bình luận (0)