Thảo luận tại nghị trường Quốc hội: Lo ngại nợ công tăng trong năm 2011

04/11/2010 02:05 GMT+7

Kỷ luật chi tiêu ngân sách, nợ công vẫn là mối quan tâm lớn của các ĐBQH khi thảo luận tại nghị trường sáng 3.11.

Giảm bội chi dưới 5% để trả bớt nợ công

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) bắt đầu nội dung phát biểu bằng câu hỏi “thực chất nợ công nước ta hiện nay là bao nhiêu?”. Theo ông Thuyết, Chính phủ báo cáo hiện nay nợ công của nước ta tương đương 56,7% GDP nhưng theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước, thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP.

...Chúng ta phải nói rõ xem bao nhiêu là ngưỡng an toàn? 30, 40, 50 hay 60%?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền

Lo lắng về ngưỡng an toàn nợ công, vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của QH đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về con số nói trên và đề nghị giữ 2 nguyên tắc cơ bản để kiểm soát nợ công: Một, phải giữ kỷ luật ngân sách cho nghiêm. Hai, có lãi thì làm, không chắc có lãi dứt khoát không làm. Trong đó, cần tính lại hiệu quả kinh tế toàn diện mà cân nhắc việc có khai thác bauxite ở Tây Nguyên hay không.

“Tôi cũng đồng ý với đại biểu Thuyết, tức là chúng ta phải nói rõ xem bao nhiêu là ngưỡng an toàn? 30, 40, 50 hay 60%? Còn bây giờ chúng ta cứ lúc nào cũng nói là ngưỡng an toàn, việc này phải công khai, minh bạch để cử tri và đại biểu QH biết”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) hưởng ứng.

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì cho rằng, mức an toàn nợ công bằng 50% GDP là do ta tự quy định, trên cơ sở tham khảo một số tổ chức quốc tế, trong khi khả năng hấp thụ, khả năng trả nợ, tiềm lực kinh tế tài chính của mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, “ta không thể tự cho rằng Việt Nam đang an toàn về tài chính quốc gia để an tâm trong điều kiện thách thức hiện nay”. Để đảm bảo nợ công trong ngưỡng an toàn, ĐB Tuyết đề nghị nhanh chóng cơ cấu lại các khoản chi ngân sách một cách theo hướng hợp lý, hiệu quả, xử lý sắp xếp theo các doanh nghiệp nhà nước; chấn chỉnh hoạt động đầu tư theo hướng ngày càng tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng, chọn lọc công trình dự án thật sự then chốt; chấp hành nghiêm kỷ luật về chi ngân sách, thực hiện tiết kiệm triệt để hoạt động chi thường xuyên. Đặc biệt, phải giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống 5% GDP.

Cũng nói về nợ công, ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) lại băn khoăn ở khía cạnh tỷ giá USD quy đổi thời điểm hiện nay với các món nợ vay từ 15 năm trước. “Nợ công năm 2010 của chúng ta nói là 56,7% GDP, tôi thấy trong này tính bằng đồng Việt Nam, không biết chúng ta nợ cách đây 15 năm bây giờ quy ra đồng Việt Nam tính theo bây giờ hay tính theo đô la thời đó, phải kiểm tra lại”, ĐB Vang đề nghị.

Cũng theo ông Vang, nợ công năm 2011 dự kiến chúng ta tăng thêm 192.673 tỉ đồng là rất lớn, tức là tới 9.637 triệu USD. “Với số nợ như báo cáo hiện nay cộng với nợ dự kiến vay thêm trong năm tới thì khả năng nợ công của chúng ta là 64.991 triệu đô la, là rất lớn. Vì vậy, phải giảm bội chi ngân sách và có đồng tiền nào tăng lên thì nhân cơ hội này dùng để giảm bội chi xuống còn 5%”, ông đề nghị.

Yêu cầu tăng cường tính minh bạch

Trước lo ngại của nhiều ĐBQH, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lý giải: Bội chi rất gắn với nợ công và đều bắt nguồn từ vay. Theo Bộ trưởng, bây giờ phải xác định quan điểm chung là có vay hay không và vay ở mức nào, bởi “nếu cân đối ngân sách không phải đi vay thì không có gì hạnh phúc bằng chuyện đó với người làm công tác tài chính. Hai là vay càng ít thì càng tốt, bội chi càng ít thì càng tốt”. Tuy nhiên, hiện nhu cầu bội chi, nhu cầu về chi của chúng ta rất lớn, đặc biệt là cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội không thu hồi được vốn như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục...

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, theo quy định của Luật Ngân sách thì hiện nay bội chi của chúng ta là không phải phát hành mà là đi vay, vay trong nước và vay nước ngoài. Trong các khoản bội chi thì hiện chỉ có khoản trái phiếu chính phủ chưa được tính vào. Nếu tính cả trái phiếu chính phủ thì bội chi của chúng ta hiện nay khoảng trên 7%.

Về nợ công và nợ chính phủ, Bộ trưởng Tài chính cho hay “nợ hiện nay báo với QH là đã tính theo tỷ giá hiện hành chứ không phải tính theo tỷ giá của thời điểm chúng ta vay”. Và, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1.1.2009 thì nợ công gồm có nợ Chính phủ cộng với nợ được Chính phủ bảo lãnh (Chính phủ bảo lãnh kể cả trong nước và ngoài nước, kể cả doanh nghiệp và kể cả các tổ chức tín dụng) và nợ của chính quyền địa phương. Còn nếu nợ doanh nghiệp tự vay, tự trả ngân hàng thì thực hiện theo Luật Ngân hàng và Luật Tổ chức tín dụng, thì không tính vào nợ công đã báo cáo QH theo phạm vi Luật Quản lý nợ công quy định.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, phải minh bạch hóa việc chi tiêu ngân sách, bởi hiện nay, chúng ta chi nhưng không biết tiêu kiểu gì. “Tôi chưa thấy một báo cáo của một tỉnh nào nói rằng tiêu kiểu gì khi ngân sách nhà nước chi cho. Chúng ta chỉ nói về chi mà không bàn về tiêu và do vậy không hiệu quả. Tôi đề nghị mục chi và mục tiêu phải minh bạch”, ông Đào nhấn mạnh. 

Sẽ xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa xII

Chiều 3.11, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn (ảnh) đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Theo đó, tại kỳ họp thứ chín QH khóa XII (dự kiến tháng 3.2011), QH xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của QH, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao theo luật định; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH (nếu có). Tại kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (dự kiến tháng 7.2011), QH xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, QH khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII (không tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH)...

Thảo luận dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán sửa đổi - Ảnh: Ngọc Thắng

Chiều 3.11, QH nghe đọc Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tập trung chủ yếu vào việc luật hóa một số quy định về phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng, bắt buộc công ty chào bán ra công chúng phải cam kết có kế hoạch đưa cổ phiếu chào bán vào giao dịch tập trung trong vòng 6 tháng.

Theo dự luật, doanh nghiệp hay tổ chức muốn huy động vốn bằng cách phát hành riêng lẻ sẽ phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Tuy nhiên, luật chỉ chế tài với trường hợp phát hành của các công ty đại chúng, còn doanh nghiệp không thuộc diện đó sẽ thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định 01/2009/NĐ-CP về phát hành riêng lẻ.

Về nội dung xử phạt vi phạm hành chính, dự luật quy định mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng (phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính); bỏ quy định phạt từ 1 - 5 lần giá trị khoản lợi nhuận thu được bất chính.

Thành Lương

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.