Đánh giá về hoạt động tín dụng của ngân hàng (NH), ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng gần đây tăng khá nhanh. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tín dụng của các NH trên địa bàn thành phố tăng 4,58%, trong khi 5 tháng đầu năm chỉ tăng 2,58%. Trong đó, dư nợ tín dụng tiền đồng có chiều hướng tăng mạnh hơn, tăng 10,09% so với đầu năm; còn dư nợ ngoại tệ lại giảm khá mạnh 14,88%”.
|
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng cho biết tốc độ tăng trưởng tín dụng tiền đồng tại Vietcombank 6 tháng đầu năm tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực thể nhân, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay nói chung của Vietcombank giảm, do sự sụt giảm khá mạnh từ tín dụng ngoại tệ. “Sở dĩ tín dụng ngoại tệ giảm mạnh là do đối tượng được vay ngoại tệ thu hẹp, các NH nước ngoài cho vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn”, ông Thanh lý giải.
|
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong thời gian qua NH Nhà nước cùng các NH đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho các DN, trong đó có việc đánh giá lại khả năng trả nợ của khách hàng để thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay… (theo chỉ đạo của NH Nhà nước tại Thông báo 198-TB-NHNN và Quyết định 780/NHNN). Tính đến trung tuần tháng 7, đã có 90.017 khách hàng của các NH trên địa bàn thành phố được hỗ trợ theo Quyết định 780 và Thông báo 198 với dư nợ 322.734 tỉ đồng, trong đó 6.632 khách hàng được cơ cấu lại với dư nợ 102.413 tỉ đồng và 83.385 khách hàng được điều chỉnh giảm lãi suất với dư nợ 220.321 tỉ đồng. Cơ chế này đã góp phần giúp DN giảm chi phí trả lãi, giảm áp lực trả nợ, từ đó có điều kiện cân đối lại hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn.
Cần tính lại lãi suất
Việc tín dụng, đặc biệt tín dụng tiền đồng, có những khởi sắc hơn so với những tháng trước là điều đáng mừng, bởi nó cho thấy DN đã có thể hấp thụ vốn. Thế nhưng, nhìn vào cơ cấu tín dụng ngắn, trung - dài hạn của các NH, thì hầu hết các DN chủ yếu vay ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Hợp đồng vay trung - dài hạn cũng có nhưng không đáng kể. Thực trạng này cho thấy các DN vẫn chưa lạc quan tính đến việc đầu tư dài hạn. “Đến quý 3 và 4, tôi hy vọng các hợp đồng vay trung - dài hạn sẽ tăng khi các DN mạnh dạn đầu tư. Còn hiện nay hợp đồng vay ngắn hạn chiếm đa số khi mãi lực tiêu thụ trên thị trường đang phục hồi từ từ”, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, kỳ vọng.
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị DN Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng con số tăng trưởng tín dụng cần được phân tích rõ tăng ở khối DN hay cá nhân, để có chính sách tài chính phù hợp. Việc các DN chỉ mới tập trung vay ngắn hạn đã tồn tại từ 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy niềm tin của DN vẫn chưa có, DN vẫn chưa đủ cơ sở để xây dựng một chiến lược đầu tư lâu dài. “Các DN vẫn còn tâm lý vay ngắn hạn để sống “lai rai”, chứ ký một hợp đồng dài hơi thì ngại mạo hiểm. Hơn nữa, lãi suất cho vay của hợp đồng tín dụng trung - dài hạn cao hơn ngắn hạn thì không DN nào tính đến vay trung - dài hạn trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm”, TS Dương phân tích.
Tốc độ huy động và cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM
|
Thanh Xuân
>> Ngân hàng không trả tiền khách chuyển nhầm
>> Ngân hàng 'tố' bỏ lọt tội phạm
>> Lợi nhuận ngân hàng suy giảm - Kỳ 2
>> Sưu tầm văn hóa phi vật thể đưa vào ngân hàng dữ liệu di sản
>> Thống đốc được giao quyền xử lý ngân hàng yếu kém
Bình luận (0)