Trên quần đảo Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, hiên ngang sừng sững những cột mốc chủ quyền. Nơi đây còn có những ngôi trường tuy nhỏ bé nhưng rực sáng ý chí, nghị lực phi thường của thầy và trò.
Như những cây bàng vuông, dù sinh ra nơi cằn cỗi vẫn vươn mình đầy mãnh liệt, trường tiểu học Sinh Tồn, xã đảo Sinh Tồn là ngôi trường trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, là điểm tựa tri thức cho những mầm non tương lai của biển đảo.
Nếu đã ví sự học ở quần đảo Trường Sa như cây bàng vuông, thì người chăm sóc cho cây bàng ấy không ai khác ngoài thầy Phạm Quang Tuấn.
Thầy Tuấn một giáo viên tiểu học đầy tâm huyết, người đã mang kinh nghiệm 35 năm đi dạy đến gieo mầm tri thức cho con em trên đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.
Từ khi còn nhỏ, thầy Tuấn đã có ước mơ trở thành giáo viên. Sau khi công tác giảng dạy ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thầy xung phong về giảng dạy tại trường tiểu học Sinh Tồn.
Gieo chữ trên đảo chẳng dễ dàng gì. Thiếu nước ngọt, thiếu điện, thiếu các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, đây là những thử thách mà thầy Tuấn phải đối mặt mỗi ngày. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, yêu trò, yêu Tổ quốc, thầy Tuấn đã vượt qua tất cả, âm thầm gieo mầm tri thức cho thế hệ trẻ nơi đảo xa.
Biết được sự khó khăn mà thầy trò, quân dân trên xã đảo Sinh Tồn nói riêng và huyện đảo Trường Sa nói chung đang gặp phải. Từ ngày 26/4 đến 2/5.2024, Đoàn đại biểu TP.HCM do đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn cùng các đại biểu là các cá nhân tiêu biểu của TP.HCM; thân nhân chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa; các đại biểu đang công tác tại các cơ quan ban, ngành thuộc TP.HCM; đại biểu Hội truyền thống Tàu HQ-505 tại TP.HCM đã đến các thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân xã huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/17.
Vào chiều ngày 28.4, đoàn đặt chân đến xã đảo Sinh Tồn, cũng là điểm dừng đầu tiên mà đoàn đi qua. Ở đây đoàn đã thăm hỏi, động viên và trao tặng nhiều phần quà cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đặc biệt là những gì còn thiếu ở trường tiểu học Sinh tồn như: giáo cụ, đồ chơi và hơn hết đó là tình yêu thương gửi gắm từ đất liền. Nhiều đại biểu không khỏi xúc động và tự hào khi tận mắt nhìn thấy ngôi trường nhỏ bé nhưng mang đầy ý chí, nghị lực phi thường; sự thông minh, đáng yêu của thầy trò trường tiểu học Sinh Tồn.
Tạm chia tay xã đảo Sinh Tồn, đoàn đã đến thăm hỏi, động viên các đảo khác như: Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa và nhà giàn DK1/17, tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Trường Sa.
Nhiều phần quà đã được TP.HCM trao tặng đến quân, dân trên các đảo, nhà giàn như trang thiết bị, máy móc, vật dụng sinh hoạt, học tập, tập thể dục nâng cao sức khỏe, các nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt. Tổng giá trị các phần quà là gần 42 tỷ đồng.
Những phần quà, những lời động viên, những cái ôm gửi gắm từ đất liền sẽ tiếp bước cho người dân, cán bộ, chiến sĩ ở đảo xa thêm sức mạnh và tình yêu tổ quốc, đặc biệt là các em nhỏ sinh sống trên các đảo như xã đảo Sinh Tồn.
Mỗi ngày đến trường, các em được học tập trong môi trường an toàn, được thầy cô tận tình hướng dẫn, được tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Tiếng cười giòn tan của trẻ nhỏ hòa quyện cùng tiếng sóng biển rì rào tạo nên bản hợp ca tuyệt đẹp giữa đảo xa.
Đảo mang tên Sinh Tồn, nhưng với sự dấn thân của thầy, lòng ham học hỏi của trò cùng sự đồng lòng của quân và dân trên đảo, chúng tôi tin rằng mạch nguồn tri thức ở đây không chỉ sinh tồn mà còn phát triển mạnh mẽ, vươn cao, đi xa, góp phần xây dựng quần đảo Trường Sa giàu đẹp và thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bình luận (0)