Thấp thỏm lo 'hà bá' nuốt nhà

Giang Phương
Giang Phương
19/03/2018 12:00 GMT+7

Dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông, đoạn qua địa bàn xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, (Tây Ninh), nhiều hộ dân đang sống trong cảnh thấp thỏm vì lo 'hà bá' nuốt nhà.

Đất sạt lở từng ngày
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đất của nhiều hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông đang bị mất dần vì sạt lở. Nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Tráng (66 tuổi, ngụ ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ) vẫn thấp thỏm lo sạt lở kéo dài đến nền nhà. Theo ông Tráng, trước kia, nếu tính từ bờ sông đến nền nhà, mảnh sân nhà ông Tráng rộng đến khoảng 8m. Còn bây giờ, mảnh sân đến nền nhà chỉ còn chưa đầy 3m vì sạt lở.
Đất ven sông Vàm Cỏ Đông đang bị mất dần vì sạt lở. Ảnh: Giang Phương
Ông Tráng cho hay sau khi đất nhà bị đổ ụp xuống lòng sông hơn 5m, ông phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng để đóng cừ, đắp đất bảo vệ nhà. Sau đó, gia đình ông có kiến nghị lên chính quyền địa phương thì được tỉnh hỗ trợ lại hơn một nửa tiền. Thế nhưng theo ông Tráng, dù đã khắc phục nhưng đất vẫn đang bị mất dần từng ngày vì sạt lở.
Chung tình cảnh, gia đình ông Phạm Văn Mỹ (48 tuổi, ngụ ấp Phước Trung) cũng đang lo lắng từng ngày. Theo lời ông Mỹ, hàng cây xanh trước đây nằm cách bờ sông hơn 2m. Còn bây giờ, toàn bộ số cây này nghiêng về mặt sông, rễ chỉ còn bám vào chút đất sát mép sông, chực chờ đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào. "Nếu nhà đã bị sạt lở rồi thì khắc phục rất khó, đất đâu mà khắc phục, chưa chắc gì cặm cây cừ bảo vệ mà yên nổi. Ngặt thêm nổi, sạt lở rồi thì đất đâu mà đắp đủ vì xe không thể chạy tới nơi, ghe lớn chở đến lại khiêng lên cực khổ, còn xe kobe múc thì nhà không cách sông quá xa", ông Mỹ nói.
Đất ven sông Vàm Cỏ Đông đang bị mất dần vì sạt lở. Ảnh: Giang Phương
Ghe cát lộng hành
Theo lời ông Tráng, cát không những bị hút ban ngày mà ghe cát còn hoạt động cả ban đêm. Riêng khu vực nhà ông, do bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng nên thời gian gần đây ghe cát không hoạt động nữa mà chuyển sang một vị trí khác gần đó. Ông Mai Văn Thân, trưởng ấp Phước Trung, cho biết do khu vực ấp Phước Trung là vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Long An, trong khi đó ghe cát hoạt động hơn 10 năm nay nhưng không cơ quan chức năng nào xử lý. "Khi thấy ghe cát hoạt động về hướng sông của Tây Ninh, tôi ra nói thì họ bảo chỉ làm ở bên Long An. Còn lúc ban đêm thì họ muốn dời đâu thì dời biết đường đâu mà cản", ông Mỹ nói. Cũng theo ông Mỹ, trước kia, ông đi đóng đáy (bắt cá) thì đáy sông chỉ sâu khoảng 15-16m, còn bây giờ anh thử đo lại thì lòng sông đã sâu đến trên 30m. “Tôi mong mỏi làm sao cho cơ quan chức năng bắt triệt để ghe cát, để nó làm nữa thì sạt lở chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Mỹ nhận định.
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo UBND xã Phước Chỉ, H.Trảng Bàng, cho biết địa bàn giáp ranh chính là nguyên nhân dẫn đến địa phương không thể xử lý được triệt để vấn nạn này. Trong khi đó, theo Phòng TN-MT H.Trảng Bàng, vấn đề xử lý nạn hút cát lậu rất khó khăn do đối tượng hút cát lậu lợi dụng địa giới hành chính để hoạt động. Để xử lý tình trạng trên cần phải có sự phối hợp cơ quan thẩm quyền giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Long An. Hiện đơn vị này đã có báo cáo lên các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh để có hướng xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.