Chưa hết bàng hoàng sau đợt lở đất cuối tháng 7, người dân tổ 38 khu 4, P.Cao Thắng, TP.Hạ Long, Quảng Ninh lại lo lắng vì nguy cơ lở đất, sạt núi sau hai cơn bão số 5 và 6.
“Ô, bụi tre nó chạy kìa”, nghe tiếng con trai 5 tuổi bi bô, chị Nguyễn Thị Vân Anh ở tổ dân phố kể trên chưa kịp cười thì bỗng nghe chồng là anh Nguyễn Trọng Huy hét lớn: “Chạy mau, đất lở hết rồi”. Rồi anh Huy cắp hai đứa con ra ngõ rồi hô hàng xóm khiêng giúp ti vi, tủ lạnh ra ngoài, trong khi mảng đất rộng khoảng 150 m2 gồm sân, vườn, cả các bụi tre, gốc chuối đang lở ra từng mảng lớn rồi trôi xuống dốc, lấp kín cả con đường lên khu dân cư.
|
Mảng đất khổng lồ trôi xuống làm căn bếp 30 m2 của nhà chị Bùi Thị Huệ đổ sập, bể phốt vỡ tung. Bể nước 10 m3 và khu nhà kho 15 m2 của ông Nguyễn Nam Hải phía dưới cũng bị xóa sổ giữa đống bùn đất trong nháy mắt. Đó là những gì chị Nguyễn Thị Vân Anh còn nhớ lại sau vụ sạt lở đất sáng 28.7 vừa qua. Đến hôm nay, cả gia đình chị Vân Anh vẫn phải ở nhờ nhà ngoại, chỉ để hai con chó ở lại để trông nhà vì sợ đất lại lở tiếp sau đợt mưa vừa qua. UBND P.Cao Thắng hỗ trợ 3 triệu, anh chị phải bỏ thêm 27 triệu để mua hơn 100 m2 bạt và gỗ, thuê đào lỗ, đóng cọc giữ đất nhưng tường bếp, bể nước vẫn nứt toác, mái tôn trước nhà bị giật tung.
Khi chúng tôi đến nơi, bùn lầy lấp toàn bộ lối đi, cô lập nhà chị Vân Anh và 5 hộ gia đình sống trên đồi với khu dân cư phía dưới.
“Sợ lắm cô ạ. Bão số 5, rồi bão số 6, có dám ở nhà đêm nào đâu. Mấy hôm mưa rồi cũng cho các con đi ở nhờ hết”, chị Bùi Thị Huệ, người bị mất căn bếp vì đất nhà chị Vân Anh lở xuống, nói. Ông Nguyễn Nam Hải, chủ ngôi nhà 2 tầng mới được sửa sang thì ngơ ngẩn: “May là người không sao. Nhưng mà đất đá nó vẫn đang trôi tiếp vào sân nhà đây”, ông nói và chỉ vào bờ tường nhà bê bết đất, đá, gốc tre.
Mưa lớn những ngày qua cũng khiến gia đình bà Hoàng Thị Hương ăn không ngon ngủ không yên khi đất từ sau nhà ập xuống, lấp mất giếng nước và làm nứt tường nhà bếp. Gia đình cụ Phạm Thị Hồng, nay đã 76 tuổi sống phía trên thì có nguy cơ mất phần sân, sạt móng nhà vì đất lở.
Bà Đỗ Thị Hồng Vân, Tổ phó tổ 38, cho biết tổ có 70 hộ dân thì hơn 1/3 hộ sống trên đồi. Phía trên khu vực này vốn được bao phủ bởi keo, bạch đàn, bây giờ dân cư đông, cây cối bị chặt bớt nên nước mưa xối thẳng xuống dưới. Quan sát cho thấy, nhà chị Nguyễn Thị Vân Anh dù cao hơn đường đi bên dưới khoảng 10 m nhưng không hề có kè đá, cống thoát nước cũng không. Còn gia đình chị Huệ kể trên trước khi xây nhà năm 2010 đã chặt hết các bụi tre cũng như các cây nhãn lớn làm tăng nguy cơ lở đất. Nhà bà Hương bị đất lở lấp giếng, nứt nhà bếp kể trên cũng chỉ làm tường bê tông mà không kè đá khiến đất dễ lở.
Đến hẹn lại… lo, không chỉ ở khu vực này mà các phường Cao Thắng, Trần Hưng Đạo, Cao Xanh, Hồng Hà, Hồng Hải... (TP.Hạ Long) đều có nhiều hộ dân sống trên các triền đồi và đêm ngày nơm nớp sống trong nỗi lo nhà sập, đá lở mỗi mùa mưa bão. Không chủ quan khi xây dựng, thường xuyên gia cố hệ thống thoát nước, tường bao là việc làm không thừa với những hộ dân sống cheo leo giữa thành phố như ở Hạ Long...
Thúy Hằng
>> Sạt lở đất tại TP.Hạ Long
>> Cảnh báo mưa lũ, ngập úng và sạt lở đất
>> Sạt lở đất gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng
>> Sạt lở đất, 2 anh em ruột tử vong
>> Sạt lở đất làm sập đổ 7 căn nhà
>> Bắc bộ dịu mát, đề phòng giông lốc, lũ quét và sạt lở đất
>> Sạt lở đất, 4 căn nhà trôi xuống sông
Bình luận (0)