Thắt lưng buộc bụng

28/03/2011 02:37 GMT+7

Tăng trưởng GDP quý 1 năm nay tuy thấp hơn tốc độ tăng 5,83% của cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tăng 5,5%. Thị trường vàng và thị trường ngoại hối đã ổn định trở lại: giá vàng trong nước hiện ở mức dưới 37 triệu đồng/lượng, chênh lệch tỷ giá VND/USD giữa giá chính thức và thị trường tự do đã giảm…

Riêng tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) vẫn cao lên. CPI tháng 3 tăng 2,17%, cao hơn tốc độ tăng của tháng 1 (1,74%), của tháng 2 (2,09%) - một hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm trước (thường giảm) và cao nhất so với tốc độ tăng của 32 tháng trước đó (tính từ tháng 6.2008); cao thứ 2 so với tốc độ tăng CPI tháng 3 của hai chục năm trước (chỉ sau tháng 3.2008). Sau 3 tháng (tức là tháng 3.2011 so với tháng 12.2010), CPI đã tăng 6,12%, như vậy mới qua 25% thời gian, đã “ngốn mất” 87,4% chỉ tiêu đề ra cho cả năm. Tháng 3.2011 so với tháng 3.2010, CPI đã tăng 13,89%; tính bình quân 3 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước (còn gọi là mặt bằng giá) đã tăng 12,79%. Có thể dự đoán: Gần như cả năm sẽ không thực hiện được mục tiêu tăng từ 7% trở xuống (Ngân hàng Thế giới dự báo cả năm tăng 9,5%, nhiều chuyên gia trong nước dự báo cả năm sẽ tăng không dưới một chữ số, thậm chí có thể không kém tốc độ tăng 11,75% của năm trước).

CPI quý 1 và dự đoán cả năm tăng cao như trên do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do những yếu tố tiềm ẩn, sâu xa vốn có của nền kinh tế, như hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp, tỷ lệ đầu tư công cao (tỷ lệ đầu tư khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2010 còn cao - ở mức 38,1%), tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP còn lớn (năm 2009 là 6,6%, năm 2010 là 5,8%), lãi suất vay vốn ngân hàng cao (hiện ở mức 18 - 20%/năm). Có nguyên nhân do việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với xăng dầu, điện, một việc chẳng đặng đừng, nhưng đã tăng dồn dập cùng một lúc với tăng tỷ giá. Có nguyên nhân do giá thế giới tăng cao, trong điều kiện độ mở cửa của nền kinh tế VN khá lớn (tỷ lệ xuất + nhập khẩu so với GDP năm 2010 ở mức 154,4%), nhập siêu còn lớn cả về quy mô tuyệt đối, cả về tỷ lệ nhập siêu..., thì nhập khẩu lạm phát xuất hiện. Từ tháng 5, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh lương tối thiểu cho công nhân viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và các đối tượng hưởng lương từ ngân sách... Đó là chưa kể tình trạng phản ứng của thị trường đối với việc tăng giá, tăng lương thường là “té nước theo giá”.

CPI tăng đã tác động tiêu cực đến mức sống thực tế của người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, những người có thu nhập bằng tiền cố định. Vì vậy, một mặt phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội như Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đề ra; mặt khác, có thể còn phải bổ sung các giải pháp mạnh hơn, như nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, mua trái phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước, giảm mạnh hơn nữa đầu tư công, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, giảm bội chi ngân sách...

Trong điều kiện lạm phát cao, việc thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” cần được đẩy mạnh, không chỉ đối với đầu tư công, chi tiêu của Chính phủ, mà cần được mở rộng sang cả tiêu dùng cuối cùng của dân cư (tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng của VN so với GDP hiện vẫn còn đạt trên 72% - thuộc loại cao trên thế giới).

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.