Kỹ sư môi trường, cử nhân quản trị khách sạn... dạy làm giàu
Hoàng Văn Quý (35 tuổi), quê ở Gia Lai, là kỹ sư môi trường, tốt nghiệp Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM. Ra trường, trải qua vài năm liên tục chuyển đổi công việc vì cảm thấy không nhận được mức lương như ý, Quý rơi vào cảnh thất nghiệp. Thế nhưng chàng trai này không thấy âu lo cho tương lai bởi tự tin bản thân có thể thành công trong một lĩnh vực mới với vai trò là TikToker.
Hai năm nay, Quý theo đuổi việc trở thành nhà sáng tạo nội dung trên TikTok với định hướng… dạy làm giàu cho người khác. "Nhu cầu tìm hiểu bí quyết làm giàu, công thức để thành công, cách để kiếm nhiều tiền đã và đang thu hút nhiều người xem. Đó là lý do mình quyết định làm TikToker chuyên về lĩnh vực này", Quý nói.
Chúng tôi thắc mắc: "Nhưng với kiến thức và bằng cấp về môi trường, cũng như có xuất phát điểm từ một người thất nghiệp thì làm sao có thể dạy người khác làm giàu?" thì Quý không trả lời được. Tuy nhiên chàng kỹ sư môi trường vẫn kiên định với niềm tin sẽ trở thành một TikToker được nhiều người biết đến, có thể kiếm tiền trên mạng xã hội, mặc dù kênh TikTok của Quý hiện chỉ thu hút chưa đến 5.000 lượt theo dõi.
Chuyện của Quý chỉ là một trong nhiều trường hợp của người trẻ hiện nay. Họ chẳng bị áp lực vì thất nghiệp, thậm chí cho rằng thất nghiệp trong ngành nghề được đào tạo bài bản là… cơ hội để chuyển nghề, mà mục tiêu hướng đến là làm mạng xã hội.
Trịnh Đức Hậu (27 tuổi), quê Ninh Thuận, là cử nhân quản trị khách sạn, tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Trong khi phần lớn bạn bè cùng lớp đang làm việc đúng ngành hoặc lĩnh vực có liên quan thì Hậu rẽ hướng trở thành một TikToker. Dù không có kiến thức chuyên môn, nhưng trên TikTok Hậu thể hiện như một chuyên gia dạy làm giàu, thường xuyên sản xuất những clip hướng dẫn người khác cách để có thu nhập cao.
Hậu kể cơ duyên để theo đuổi TikToker vì trải qua những tháng... thất nghiệp. Nằm ở phòng, lướt TikTok, thấy nhiều người sở hữu những kênh "hot", thu hút lượng người xem khổng lồ, nhận được tương tác cao, Hậu nghĩ "họ làm được thì mình cũng làm được". Từ đó, Hậu bước chân vào "làng TikToker", mường tượng tới cảnh một thời gian nữa mình sẽ trở thành TikToker nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền trên nền tảng này.
"Không ít người làm mạng xã hội và nổi tiếng. Danh tiếng ấy đã làm đòn bẩy để họ kinh doanh hoặc lấn sân showbiz. Cớ sao mình không làm theo và mình có quyền mơ được như họ", Trần Lê Nguyên Vũ (26 tuổi), quê ở Nam Định, tốt nghiệp ngành logistics của Trường ĐH Hoa Sen, nói. Vũ đang có 3 kênh YouTube chuyên giới thiệu quán ăn, nhà hàng, địa điểm vui chơi ở TP.HCM.
Vũ cho biết: "Sau khi ra trường, mình tìm việc nhiều nơi nhưng nhận ra môi trường làm việc không ưng ý, thu nhập không được như mong muốn nên quyết định bỏ việc". Thất nghiệp một thời gian khá dài, đến tháng 8.2022 Vũ hết thất nghiệp khi… trở thành YouTuber.
Không sợ thất nghiệp…
Thời gian trước, chuyện tìm việc làm khi ra trường là vấn đề đáng lưu tâm nhất của sinh viên. Thế nhưng giờ đây, khi khái niệm nhà sáng tạo nội dung mạng xã hội trở nên quá quen thuộc, một bộ phận người trẻ cho biết không sợ… thất nghiệp.
Trần Thị Thùy Ngân, sinh viên Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), dù đang theo học ngành giáo dục tiểu học nhưng cho rằng: "Không loại trừ khả năng khi ra trường mình không làm giáo viên mà làm YouTuber".
Để chuẩn bị hành trang cho việc trở thành một YouTuber chuyên nghiệp, từ đầu năm 2022, nữ sinh viên này lập kênh YouTube đăng tải những video về cuộc sống làng quê. Ngân nói: "Nếu ra trường được tuyển dụng thì mình sẽ theo đuổi nghề giáo. Ngược lại, nếu khó khăn trong xin việc sẽ làm YouTuber".
Phạm Hồng Xuyến, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho hay đã từng xem việc nhận tấm bằng cử nhân tâm lý học là kế hoạch ưu tiên, còn trở thành TikToker chỉ là phương án dự phòng. Thế nhưng sau đó cô nữ sinh này tự cảm thấy việc trở thành TikToker dễ thành công, không lo thiếu nội dung để sáng tạo, còn cơ hội việc làm của ngành tâm lý eo hẹp, dễ rơi vào cảnh thất nghiệp nên dành nhiều thời gian cho việc quay clip đăng TikTok.
Sau đó Xuyến chán học, quyết định dừng việc học ngay sau năm nhất để chuyên tâm theo đuổi làm TikToker. Dù thừa nhận chưa có được thành công như hoạch định nhưng nữ sinh này vẫn tin là thành công sẽ đến.
Nguyễn Phú Vinh, sinh viên ngành Đông phương học, Trường ĐH Gia Định, cũng cho biết từng lo ngại về nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, nhưng giờ đây đã không còn suy nghĩ nhiều đến vấn đề này. Theo Vinh, cơ hội việc làm luôn rộng mở bởi hiện nay bất kỳ ai cũng có thể làm nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.
Vinh cho rằng: "Nếu chẳng may thất nghiệp, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm đúng ngành nghề được học thì trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội bùng nổ, không riêng mình mà nhiều bạn khác cũng có chỗ để nhìn vào". "Chỗ để nhìn vào" mà nam sinh này nói là trở thành TikToker, YouTuber, Facebooker.
Bàn về vấn đề này, thạc sĩ Đỗ Trọng Hậu, giảng viên một trường ĐH tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ: "Không thể phủ nhận thực tế có những sinh viên lơ là, chểnh mảng trong việc học, cũng như chẳng bận tâm liệu có đủ điều kiện tốt nghiệp hay được ra trường đúng tiến độ. Hiển nhiên, họ cũng không quan trọng chuyện tìm được việc hay thất nghiệp sau khi ra trường. Một trong những nguyên nhân là họ chủ quan nghĩ rằng nếu bị đình chỉ học tập, không được ra trường, ra trường không có việc làm… thì có thể theo đuổi nghề sáng tạo nội dung mạng xã hội để kiếm thu nhập". Ông Hậu nhấn mạnh: "Sinh viên phải gạt bỏ tâm lý chủ quan ấy. Cần phải chú tâm vào việc học tập. Nếu cứ cho rằng không sợ thất nghiệp, mặc định nếu thất nghiệp thì chuyển sang làm TikToker, YouTuber thì khả năng rất cao là việc học đứt gánh giữa đường".
(còn tiếp)
Bình luận (0)