Thất thoát nước bao giờ giảm?

09/10/2011 01:43 GMT+7

Tỷ lệ thất thoát nước của TP.HCM hiện lên đến gần 45%, thậm chí có khu vực lên đến 50%, một tỷ lệ quá lớn trong khi ngành cấp nước sau nhiều năm vẫn chưa tìm được giải pháp nào hữu hiệu.

Quá nhiều nguyên nhân

TCT cấp nước Sài Gòn (Sawaco) xác định tỷ lệ thất thoát nước sạch hiện lên tới 43 - 45% tùy theo thời điểm. Đây là tỷ lệ thất thoát nước có thể thuộc hàng “kỷ lục” của thế giới (các chuyên gia cho biết phần lớn các nước thì tỷ lệ thất thoát nước chỉ dao động từ 5 - 7%).

Theo một cán bộ lãnh đạo Công ty TNHH MTV cấp nước Trung An thuộc Sawaco, có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát nước với tỷ lệ cao như vậy. Chẳng hạn, TP hiện có đến 700.000 - 800.000 mối nối, trong khi ở các đô thị khác số lượng mối nối tối đa chỉ khoảng 100.000. Tình trạng này cộng với sự yếu kém về công tác quản lý là một trong rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thất thoát nước quá cao. Một nguyên nhân khác là hàng trăm đơn vị thi công đào đường để lắp đặt, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật của thành phố liên tục làm xì bể đường ống cấp nước. Nhiều đơn vị thi công làm bể ống nước không báo với các công ty cấp nước (vì sợ bị phạt và bồi thường) mà âm thầm đấu nối tạm. Do không có chuyên môn, đấu nối sai kỹ thuật và cách làm thì cẩu thả nên chỉ sau một tuần hoặc cao nhất là một tháng là xì bể trở lại.

Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến tình trạng thất thoát nước tại TP.HCM thuộc loại cao nhất thế giới, theo Sawaco, chính là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP đang “rối như tơ vò”, không có chung một đầu mối quản lý thống nhất, không có bản đồ công trình ngầm. Tại phần lớn đô thị trên thế giới vấn đề quy hoạch hạ tầng được thiết kế và xây dựng rất bài bản. Theo đó, hệ thống đường ống cấp nước được bố trí lối đi riêng, độc lập với các loại ống khác như điện, cáp... "Còn TP.HCM thì ống cấp nước bị cống thoát nước đè lên, hoặc đi lồng vào nhau. Vì vậy, chỉ cần có đơn vị thi công tác động là ống cấp nước bị dịch chuyển hoặc bể ngay”, một kỹ sư cấp nước đang làm việc tại Sawaco cho biết. Vị này dẫn chứng, ở dự án Vệ sinh môi trường, thời gian qua mỗi thi khi công lắp đặt cống thoát nước đã làm dịch chuyển hàng trăm ống cấp nước khiến các mối nối bị hở gây xì bể đường ống liên tục. Bên cạnh đó là tình trạng gian lận trong quá trình sử dụng nước của một số khách hàng, tình trạng thi công gian dối, vật tư kém chất lượng... ở các dự án cấp nước khiến đường ống cấp nước mau chóng xuống cấp cũng là nguyên nhân đẩy tỷ lệ thất thoát nước gia tăng.

Giảm thất thoát được không?

Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, Phó chủ tịch Hội Nước và môi trường TP.HCM, nói: "Tỷ lệ thất thoát nước quá cao như hiện nay chứng tỏ tính hiệu quả của hệ thống cấp nước TP.HCM thấp. Vấn đề này liên quan đến 2 yếu tố: đường ống (phần cứng) và con người (phần mềm). Tôi cho rằng việc đầu tư giảm thất thoát nước là hết sức cần thiết, tuy nhiên vấn đề là đầu tư như thế nào để mang lại hiệu quả. Tại TP.HCM, dự án giảm thất thoát nước do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ trị giá 40 triệu USD đã thực hiện nửa chặng đường nhưng kết quả không nhiều (giảm chỉ khoảng 37.000 m3/ngày, trong khi khối lượng thất thoát là 650.000 m3/ngày) mặc dù WB đã buộc cho một công ty nước ngoài là Công ty cấp nước Manila (Philippines) tham gia dự án. Trong khi đó tại tỉnh Bình Dương một dự án có vốn đầu tư chỉ khoảng 2 triệu USD, sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á với sự hợp tác của Cục Cấp nước Phnom Penh (Campuchia) đã rất thành công, giúp giảm tỷ lệ thất thoát từ trên 30% xuống còn 16 - 18%". 

Theo ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, thất thoát nước đang khiến TP.HCM mất đi khoảng 5 tỉ đồng/ngày. Trong khi Sawaco và cả UBND TP đã không có chủ trương và giải pháp quyết liệt để giảm thất thoát nước một cách hiệu quả. “10 năm qua vấn đề này đã được HĐND TP, trong đó có cá nhân tôi chất vấn rất nhiều lần nhưng đến nay tỷ lệ thất thoát nước vẫn còn cao. Không nói đâu xa, ngay thủ đô Manila (Philippines) cách đây 10 năm tỷ lệ thất thoát nước cũng trên 40%, nhưng đến nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%”, ông Khoa nói.

Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.