Thất thu thuế từ “gã khổng lồ”: Lỗ hổng ở dịch vụ đặt phòng trực tuyến

15/01/2019 07:01 GMT+7

Không chỉ thất thu từ Google, Facebook, chúng ta còn đang thất thu lớn ở các dịch vụ ứng dụng công nghệ như đặt phòng trực tuyến xuyên quốc gia phát triển ngày càng mạnh tại VN.

Thất thu ngàn tỉ

Doanh thu từ đặt phòng trực tuyến lên đến con số cả tỉ USD mà mấy năm nay vẫn chưa có một biện pháp thu thuế đối với những hoạt động này. Không chỉ thất thu, việc này còn khiến các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến làm ăn đàng hoàng, có đóng thuế nhà thầu chịu thiệt thòi khi những đối thủ cạnh tranh không thực hiện đóng thuế, dẫn đến môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM
Gia đình anh Hoàng (ngụ Q.3, TP.HCM) thường xuyên đặt phòng khách sạn thông qua Agoda hoặc Booking.com vì thuận tiện và có nhiều mức giá để lựa chọn. Cuối tháng 11.2018, gia đình anh gồm 8 người đã đặt 2 phòng lớn ở Thái Lan với giá 2 đêm lưu trú chỉ khoảng 10 triệu đồng. Dịp Tết dương lịch 2019, gia đình anh cũng đặt phòng ở Vũng Tàu tại một khách sạn tiêu chuẩn 4 sao thông qua 2 trang web này với giá chưa đến 4 triệu đồng/phòng cho 2 đêm. “Đi đâu là tôi vào ngay 2 trang này tìm khách sạn và so giá rồi cứ thế mà đặt là xong. Chưa bao giờ mình bị hủy hay trục trặc gì nên yên tâm”, anh Hoàng chia sẻ thêm.
Thử tìm kiếm 10 dịch vụ đặt phòng trực tuyến uy tín qua mạng, trang Offer.vn liệt kê từ trên xuống gồm Booking.com, Agoda, Mytour.vn, Hotels.com, TripAdvisor, Expedia, Airbnb, Hotel Quickly, iVIVU và Chudu24. Trong danh sách 10 trang web trên, có iVIVU và Chudu24 là 2 đơn vị trong nước, số còn lại đều thuộc các công ty đa quốc gia. Trong đó, Agoda và Booking.com, 2 ông lớn trong lĩnh vực này đều được Priceline Group sở hữu hay trang Hotels.com và Expedia.com cùng thuộc Công ty Expedia (Mỹ)...
Thông thường, các đơn vị này sẽ nhận được mức phí hoa hồng từ 10 - 25% từ các khách sạn, nhà trọ. Ước tính đến năm 2020, riêng doanh thu của các trang web đặt phòng trực tuyến sẽ đạt khoảng 10,5 tỉ USD. Chỉ cần 50% doanh thu đến từ lượng khách nội địa, tương đương với 5,25 tỉ USD tiền phòng, các công ty bán phòng online sẽ được hưởng doanh số khoảng 1,25 tỉ USD (tính theo mức hoa hồng 20% cho 1 đơn đặt phòng). Vì thế, Vntrip.vn cho rằng nếu không có chế tài kiểm soát, cộng dồn sau nhiều năm, nhà nước có thể thất thu đến 10.000 tỉ đồng vào năm 2020 từ việc các công ty như Agoda không nộp thuế cho phần doanh thu bán phòng phát sinh tại VN.

Thu không dễ

Một cán bộ thuế thừa nhận việc thu thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử nói chung, các dịch vụ đặt phòng trực tuyến nói riêng gặp nhiều vướng mắc. Đó là việc xác định doanh thu của những đơn vị này rất khó bởi sử dụng thanh toán bằng tiền mặt. Có trường hợp doanh nghiệp, cá nhân không đăng ký kinh doanh nên không kê khai thuế; có đăng ký kinh doanh nhưng kê khai không đầy đủ, có dấu hiệu trốn doanh thu hoặc đăng ký tài khoản ngân hàng khác.
Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt phòng trực tuyến, khách hàng thuê phòng trả tiền trực tiếp cho đối tác nước ngoài, sau đó đối tác này sẽ chuyển tiền phòng cho khách sạn trong nước nên việc xác định doanh thu, số tiền khách thuê phòng của đối tác nước ngoài để làm căn cứ khấu trừ thuế là khó. Cơ quan thuế đã yêu cầu khách sạn đề nghị phía đối tác nước ngoài thông báo số tiền khách thuê phòng thanh toán qua tài khoản, nhưng đề nghị này không khả thi vì doanh nghiệp nước ngoài từ chối cung cấp.
Đầu năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các trang kinh doanh đặt phòng trực tuyến có trụ sở ở nước ngoài, kinh doanh đặt phòng tại VN theo hình thức trực tuyến như Agoda, Traveloka, Booking, Expedia thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% tổng doanh thu. Trách nhiệm đóng thuế sẽ được thực hiện bởi cơ sở lưu trú đóng thay cho nhà thầu nước ngoài (giống các trường hợp nộp thuế nhà thầu khác).
Để chống thất thu thuế, Cục Thuế TP.HCM đã từng kiến nghị các dịch vụ thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như cung cấp dịch vụ đặt phòng trực tuyến, dịch vụ cung cấp trên Google và Facebook..., Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng thương mại khi thanh toán chuyển tiền ra nước ngoài cho các tổ chức nước ngoài có nghĩa vụ khấu trừ thuế nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước.
Theo TS Nguyễn Anh Phong, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM: Hiện nay VN vẫn chưa có một khung pháp lý rõ ràng liên quan đến việc thu thuế các đơn vị như Agoda, Booking mà chỉ là những văn bản rời rạc. Chúng ta không thể lấy chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành hay thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa hữu hình để áp dụng cho các dịch vụ trên mạng. Bởi các tập đoàn nước ngoài này có thể không phục, sẽ cãi lại và cơ quan thuế sẽ bị đuối lý.
“Vì vậy VN cần phải bắt tay xây dựng ngay một khung pháp lý hoàn chỉnh, trong đó bắt đầu bằng việc định nghĩa rõ về kinh tế chia sẻ là gì? Các dịch vụ, sản phẩm có liên quan trong hoạt động này như thế nào. Từ đó đưa ra chính sách thu thuế. Khi có chính sách rõ ràng và hệ thống kiểm soát thực thi tốt thì mới mong thu được thuế của các doanh nghiệp khi không có văn phòng tại VN. Việc thu thuế không thể thực hiện được nếu chỉ kêu gọi chung chung”, TS Nguyễn Anh Phong nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.