Đoạt giải nhất cuộc thi Travel Photography Scholarship của National Geographic Channel và Tổ chức Worldnomads dành cho các tay máy nghiệp dư trên toàn thế giới, Vũ Tiến Đạt đã tạo ra một thế giới ảnh thấm đẫm nỗi buồn nhưng vẫn có lối thoát rất kỳ lạ, mới mẻ của một đôi mắt trẻ.
|
Hành trình đến Bhutan
Đạt kể năm 15 tuổi, khi chỉ mới học ở lớp chuyên Anh Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM được hai tháng thì Đạt nhận học bổng du học tại Singapore. Hành trình làm bạn cùng chiếc máy ảnh ở xứ người bắt đầu từ đó, với những bức ảnh chụp cảnh vật, bạn bè. Tuy nhiên, tư duy chụp ảnh đi hẳn về hướng ảnh báo chí chỉ thật sự đến với cậu hai năm sau đó, khi lang thang vào trang web của tổ chức nhiếp ảnh danh tiếng: Magnum Photos.
Ở đó, Đạt có cơ hội tiếp xúc với những bộ ảnh báo chí đầy táo bạo của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp trên toàn thế giới, với đủ mọi đề tài gai góc như xâm phạm tình dục, bạo lực gia đình... và thấy được tác động xã hội rất lớn của các bộ ảnh này. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Đạt: “Cũng là cái máy ảnh đó, tại sao mình không dùng nó để kể lại những câu chuyện của thân phận, của cuộc đời con người, thay vì chỉ là cố chụp cho đẹp rồi thôi?”. Vậy là cậu bắt đầu âm thầm tích cóp, tìm đề tài, tìm nhân vật cho những bộ ảnh phóng sự nhỏ của mình.
|
Hè năm 2010 về VN, Đạt tìm đến Nhà May Mắn, một trung tâm việc làm - dạy học cho người khuyết tật và tình cờ gặp Hà Mỹ Ngọc - một cô bé 10 tuổi bị khuyết tật cả tứ chi - đang hồn nhiên ngồi học trong lớp. Vậy là bộ ảnh năm tấm với tên gọi Một ngày với Ngọc (A day with Ngoc) đã ra đời. Sau đó, Đạt tình cờ tìm được thông tin về cuộc thi Travel Photography Scholarship dành cho các tay máy nghiệp dư trên 18 tuổi toàn thế giới, với phần thưởng là một chuyến đi Bhutan tám ngày học việc cùng với Jason Edwards, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của National Geographic. Vậy là anh quyết định gửi bộ ảnh này đi với những dòng chia sẻ giản dị: “Với bộ ảnh này, tôi hi vọng sẽ mang đến cho bạn bè quốc tế một nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống của những người khuyết tật, nhóm người mà chúng ta vẫn thường lãng quên...
|
Đồng thời, tôi cũng tin rằng ảnh của mình sẽ vượt qua những cái hào nhoáng bề ngoài để khám phá nét đẹp tiềm ẩn bên trong tinh thần con người, đặc biệt là cô bé Ngọc trong câu chuyện này”. Kết quả Đạt đã vượt qua 1.558 ứng viên trên toàn thế giới, trở thành người duy nhất được vác balô, máy ảnh cùng nhiếp ảnh gia Jason Edwards đến Bhutan.
Chia sẻ về chuyến đi như mơ này, Đạt nói: “Tôi thật sự nghĩ mình rất may mắn khi được đi cùng thầy Jason để làm công việc của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lúc còn quá trẻ như thế này, vì sức trèo đèo lội suối của mình còn nhiều. Bên cạnh đó, tôi cũng hiểu thêm những khó khăn, vất vả của nghề này khi phải hòa hợp giữa cảm xúc và hạn nộp bài của tờ báo, phải nhạy cảm và có trách nhiệm hơn với rất nhiều nhân vật mà mình chụp lại, vì cả thế giới sẽ nhìn thấy họ”.
“Nỗi buồn thì nhiều...”
Chụp cẩn thận và chọn lọc, trong quá trình chụp ảnh Đạt không chỉ đến một lần, chụp rồi về. Đến mái ấm Mai Hòa (Củ Chi, TP.HCM), trung tâm nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm HIV/AIDS, cùng bạn bè, Đạt để ý thấy những đứa trẻ lớn hơn, tức là đã ý thức rõ về thân phận của mình, thường lảng đi, chỉ những đứa bé rất nhỏ mới ngồi lại cùng các bạn tình nguyện viên.
Quay lại thêm một lần, rồi nhiều lần nữa, kể cả ngủ lại, Đạt đến không phải để chụp hình mà là trò chuyện, làm bạn với những em nhỏ ở đó, đến khi Đạt quyết định cầm máy chụp thì mọi thứ đã trở nên rất gần gũi và tự nhiên. “Lần nào đến đó tôi cũng thấy xúc động. Nỗi buồn thì nhiều nhưng chụp lại rất khó, tôi không muốn những bức ảnh chỉ kể lại thứ tình cảm thương hại, bế tắc, mà đó phải là sự đồng cảm và thấu hiểu hết mức với nhân vật của mình”.
Thái độ và tinh thần trách nhiệm rất cao này của Đạt bắt đầu từ một chuyến đi tình nguyện với cả lớp ở Trung Quốc. Cả đoàn dừng lại ở Kunming và Fugong, một bên là TP đang đô thị hóa với đầy đủ sự giàu sang của những tòa nhà cao ốc và một bên là sự nghèo khổ đến bế tắc của những người nông dân ở làng quê. Đạt quan sát, và đôi mắt đã mất hết sự ngây thơ, hồn nhiên, chỉ còn lại nỗi buồn và sự lo toan, kể cả bất cần của những đứa trẻ ở đây đã làm tay máy này rất day dứt. “Tôi chỉ có một ngày để chụp ảnh. Cái cảm giác không có đủ thời gian, không thể thu được hết mọi cảm xúc vào những tấm ảnh thật sự rất tiếc nuối. Từ lúc đó tôi tự nhủ sẽ không bao giờ đi qua mọi thứ một cách đơn giản như thế. Mỗi hành động xuất hiện trên ảnh nên là tiếng nói vô thanh của một thứ cảm xúc nào đó, dù chỉ là ăn cơm, uống nước...”.
Vừa bước sang tuổi 20 được vài tháng, chàng trai này đang giữ trong tay kha khá giải thưởng nhiếp ảnh của Singapore và thế giới. Gọi nhiếp ảnh là đam mê và dự định học ngành môi trường ở ĐH, Đạt cho biết lý do của sự lựa chọn tưởng chừng rất tréo ngoe này: “Học về môi trường, tôi hi vọng mình sẽ có được kiến thức tương đối về khoa học tự nhiên lẫn con người trong cách cư xử với thiên nhiên. Nếu sau này tôi quyết định theo con đường của một phóng viên ảnh chuyên nghiệp thì đó sẽ là một nền tảng tri thức vững vàng hơn cho nội dung của từng bộ ảnh, từng thân phận xuất hiện trong ảnh của mình”.
“Một sự nhập vai tuyệt vời” “Thông qua bộ ảnh đầy xúc động và ấn tượng, Đạt đã mở ra cho người xem một thế giới mà ở đó tràn ngập hình ảnh của riêng một đứa trẻ và những nỗ lực phi thường hằng ngày của em. Đạt chụp ảnh đẹp một cách chỉn chu, chặt chẽ và không hề bị bó buộc trong bất kỳ khuôn khổ nào. Tôi đặc biệt đánh giá cao sự nỗ lực của Đạt trong việc kết nối hài hòa những xoay xở của Ngọc với khuyết tật của mình trong một môi trường sống rộng mở. Tôi có một cảm giác rất mạnh mẽ rằng mình đang ở đó, đang chia sẻ những trải nghiệm rất thực với Ngọc, một sự nhập vai tuyệt vời” - nhiếp ảnh gia Jason Edwards (Tổ chức National Geographic Society) nhận xét về bộ ảnh Một ngày với Ngọc. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)