Lần đầu tham gia công tác hỗ trợ, Mai Văn Tuấn, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, hứng trọn cơn mưa khá lớn tại Q.Gò Vấp, khu vực bị phong tỏa theo Chỉ thị 16 từ ngày 31.5. Bất chấp mưa to, chàng trai trẻ nhanh chóng đến điểm hỗ trợ theo sự phân công.
|
Thay một chiếc áo khô, Tuấn cùng tình nguyện viên nhanh chóng sắp xếp bàn ghế để hỗ trợ hướng dẫn người dân lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Được biết ngày 2.6, Tuấn bắt đầu công việc tình nguyện vào lúc 18 giờ cho đến 1 giờ sáng hôm sau và hôm nay (3.6) được điều động đến Q.12.
Trực chốt phong tỏa tại Q.Gò Vấp, Tào Quang Tuyền, sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phải đứng ngoài nắng nóng với khẩu trang, bao tay và quần áo kín nên khá khó thở. Thêm màng chắn nước bọt càng che khuất tầm nhìn do mồ hôi chảy liên tục từ mắt xuống. Quang Tuyền cho hay có một số tình nguyện viên ở chốt đã ngất xỉu vì trời quá nóng.
|
Tuyền cho rằng nhờ tham gia tình nguyện mới hiểu rõ câu ‘quân với dân như cá với nước’. “Nhà ai có khoai, bán bún, bán cơm đều đem cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19 ở chốt trực. Giữa mưa gió họ cũng chạy ra tặng nước uống hay bánh trái cho chúng tôi”, Tuyền chia sẻ.
Tham gia lấy mẫu xét nghiệm, điều khó khăn nhất mà tình nguyện viên Lê Quang Huy, nhân viên Trung tâm nghiên cứu phát triển khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức), là lo sợ người dân cảm thấy đau đớn. “Lần đầu lấy mẫu, tôi hơi run do không phải dân chuyên nhưng dần rồi quen, lúc nào cũng phải trấn an người dân để họ an tâm. Tôi thường bắt đầu từ lúc 18 giờ đến 23 giờ”, Huy nói.
|
Còn các sinh viên ngành y dù được huấn luyện lấy mẫu xét nghiệm dịch Covid-19 từ trước nhưng khi gặp trẻ em thì cũng phải có “chiêu trò”.
“Chúng tôi thường nói đùa như “trời ơi có con gì trong mũi con kìa, để cô chú bắt ra, không là nó cắn" để có thể đưa que lấy mẫu. Một số bé thì chịu nghe, một số khác thì chúng tôi buộc phải dùng “biện pháp cưỡng chế” giữ 2 tay 2 chân, để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19”, Huỳnh Thị Thanh Ngân, sinh viên Khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết.
Theo Thanh Ngân, các tình nguyên viên phải chuyển qua lấy mẫu miệng hạn chế lấy ở mũi vì lo ngại trẻ em quấy khóc, dễ bị tổn thương.
“Các tình nguyện viên hạn chế uống nước trong suốt quá trình làm việc, có như thế mới hạn chế đi vệ sinh, tiết kiệm được việc sử dụng đồ bảo hộ phòng chống dịch Covid-19”, anh Mai Văn Tuấn, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, cho biết.
|
Ngoài ra, các tình nguyện viên còn tham gia hỗ trợ nhập liệu và thống kê. “Các bạn phải nhập đầy đủ thông tin bệnh nhân, mã code vào file excel hoặc CDS (phần mềm khai báo trực tuyến), công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ, cẩn thận, tỉ mỉ chính xác đến từng số liệu. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong bất cứ số liệu nào sẽ dẫn đến sai số rất lớn và phải tốn nhiều công sức để kiểm tra lại toàn bộ hệ thống”, Trương Đăng Quang, sinh viên năm 3 ngành y đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ.
Nguyễn Tấn Đạt, Phó chủ tịch Hội sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ: “Một số gia đình lo lắng không muốn cho con em của họ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sinh viên cũng đã giải thích rõ với gia đình rằng được trang bị đồ bảo hộ, được huấn luyện từ trước và công việc hỗ trợ nằm trong khả năng của mình. Cuối cùng, gia đình đều ủng hộ và động viên khuyến khích các bạn cống hiến sức mình cho xã hội”.
Bình luận (0)