Chị Phan Hồ Điệp (mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam), giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kể về câu chuyện học tiếng Anh của Nam. Chị kể, Nam bắt đầu học tiếng Anh từ chưa đầy 6 tuổi, học ở trung tâm khoảng 3 tháng, sau đó hoàn toàn tự học ở nhà và người thầy đồng hành cùng Nam trong khoảng thời gian này về sau là internet.
Chị Điệp mong muốn phụ huynh hãy xem mạng xã hội như một kênh để hỗ trợ con trong việc học. Theo chị, có 3 điều mà chắc chắn internet sẽ hỗ trợ cực kỳ tốt là âm thanh, hình ảnh và sự hứng thú. “Âm thanh và hình ảnh làm cho trí tưởng tượng của các em được kích thích và phát triển. Có thể nghe đi nghe lại rất nhiều lần, và chúng ta có thể mở cho các con nghe không chỉ lúc học mà cả trong quá trình con đang chơi. Như vậy sẽ làm tăng thêm sự hứng thú cho con. Đây là một yếu tố giúp bạn thấu hiểu con hơn”, chị Điệp chia sẻ.
tin liên quan
Ứng dụng công nghệ 4.0 đánh giá năng lực học sinh thi ViolympicNhiều người băn khoăn đến mặt trái của mạng xã hội như làm con ít tương tác hơn, cảm thấy cô đơn ở trên mạng… Theo chị Điệp, có thể khắc phục bằng các nguyên tắc: Đừng lúc nào cũng áp đặt những điều mình muốn cho trẻ, mà hãy học cùng với trẻ. Trước khi tìm hiểu một kênh nào đó trên mạng, phụ huynh phải chủ động tìm hiểu trước và trò chuyện lại với con để con hiểu được những mặt tích cực của trang đó và sau đó cả 2 mẹ con sẽ cùng học với nhau.
Chị Nguyễn Thúy Uyên Phương, đồng sáng lập Trường ngoại khóa Tomato Childrens Home, cho rằng phụ huynh hiện nay có nỗi hoang mang rất lớn là có nên cho con tiếp cận với thế giới mạng? Nhưng con chúng ta sinh ra trong thời đại của công nghệ và đó là một phần của thế giới hiện nay. Nếu không cho con tiếp cận thì vô tình ngăn cản quá trình khám phá thế giới của con. Đừng quá sợ hãi mà hãy mở cánh cửa để con tiếp cận được với thế giới bao la kia, nhưng quan trọng là chọn lọc được những điều cần thiết cho con chứ không phải chặn con lại. “Nếu để cho công cụ làm chủ thay vì chúng ta làm chủ nó thì kết quả nhận lại sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta”, chị Phương nhận định.
Chị Phương cũng chỉ ra thậm chí các trang YouTube thường có những liên kết khác dẫn theo, hoặc chế độ chuyển tiếp nội dung không phù hợp nhưng chúng ta cũng không để ý đến, không quan tâm đó là những gì. Như thế là tự bản thân đặt mọi kiểm soát vào tay của người khác và rồi kêu lên rằng: “Ôi ai đó làm hại con chúng ta rồi”, nhưng thực ra là chính chúng ta làm hại con mình. “Mỗi phụ huynh nên chọn mạng xã hội là người bạn đồng hành chứ không chọn nó là bảo mẫu thứ 2 của con mình”, chị Phương nhấn mạnh.
|
Đồng quan điểm, anh Lê Đăng Ninh, đồng sáng lập Tí Toáy Atelier, xưởng nghệ thuật dành cho trẻ em, cho rằng cha mẹ xem mạng xã hội là một kênh hỗ trợ hay là một thứ để chia sẻ gánh nặng. Vì nhan nhản những hành vi mà nhiều phụ huynh đang làm là nếu con khóc, con đòi trong khi mình đang bận thì ngay lập tức ném cho con cái iPad, cái điện thoại thông minh…
“Mọi thứ trên đời đều tồn tại 2 mặt, nhưng chúng ta nên tiếp nhận chứ đừng quá khắt khe. Tiếp nhận có phân tích, chọn lọc và có lộ trình để cùng con phát triển. Không những thế, là người sử dụng, chúng ta hoàn toàn có quyền kiểm soát và ngăn chặn những điều không tốt bằng cách luôn đồng hành cùng con mình ngay cả trên thế giới mạng”, anh Ninh nói.
Bình luận (0)