Khi chúng tôi trình bày muốn đi mua điều non của đồng bào S’tiêng, chị H., một chủ quán cà phê ở xã Bom Bo (H.Bù Đăng) khuyên nên “thầu vườn” (cầm cố đất) trong một thời gian dài (5 - 10 năm) thì ngon ăn hơn nhiều, chứ mua điều non phải chờ đến vụ mùa thu hoạch mất gần cả năm. Hơn nữa, mua điều non thường gặp rủi ro vì sâu bệnh, mất mùa do thời tiết. “Bây giờ người ta thường thầu vườn để có điều kiện đầu tư, chăm sóc phân bón như vậy mới có lời”, chị H. lý giải.
Cầm đất trả tiền cưới vợ
Đến nhà Điểu La (thôn 4, xã Bom Bo, H.Bù Đăng) đã gần đứng bóng. Đặt vấn đề muốn “thầu vườn” điều, Điểu La lắc đầu nguây nguẩy từ chối vì mới ký hợp đồng cầm cố mảnh vườn 1 ha trong thời gian 5 năm (2010 - 2015) với số tiền 35 triệu đồng cho người khác. “Mình lấy vợ cách đây hơn 2 năm. Lúc đó, không có tiền nên phải vay mượn. Làm lụng quanh năm vẫn không đủ tiền trả nợ nên buộc lòng phải cầm đất”, Điểu La tâm sự.
UBND tỉnh Bình Phước cũng đề nghị công an xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi, ép buộc người dân phải cầm cố, bán đất sản xuất và đất ở. Xử lý các đối tượng lợi dụng danh nghĩa HTX để huy động đồng bào góp vốn bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền ngân hàng phục vụ mục đích cá nhân. Phối hợp với tòa án, Viện Kiểm sát và các ngành chức năng xét xử lưu động các đối tượng, vụ việc điển hình về cho vay nặng lãi ép buộc lấy đất của đồng bào dân tộc. (Nhật Văn) |
Gần đó, gia đình Điểu Thu cũng rao bán rẫy điều sau 4 năm cầm cố. Điểu Thu buồn bã: “Năm 2007 do con bị bệnh nặng phải vay mượn với lãi suất cao, không có tiền trả đành cầm cố 1,3 ha trong thời hạn 4 năm (2007 - 2010) với số tiền 60 triệu đồng. Kết thúc vụ mùa điều năm 2010, bệnh tình con cũng không thuyên giảm nên kêu người bán”.
Theo ông Nguyễn Đức Đăng, Phó chủ tịch UBND xã Bom Bo, trên địa bàn có hơn 120 hộ dân trong xã cầm cố đất, cho thầu vườn nhiều năm liên tục, trong đó đồng bào S’tiêng chiếm 30%. Thôn nào cũng có người bán điều non, cầm cố đất”.
Đến xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) tình hình người S’tiêng cầm cố đất đai còn nhiều hơn. Một lãnh đạo UBND xã Đắk Ơ cho biết, toàn xã có hơn 13.000 nhân khẩu, trong đó người đồng bào S’tiêng có hơn 3.000 đều “dính” đến việc bán điều non, cầm cố đất đai. Ông Lê Cao Hùng, Trưởng thôn 6 xã này cho biết, toàn thôn có 300 hộ đồng bào S’tiêng, thì 100% cầm cố đất hoặc vay nặng lãi của một số lái buôn, trong đó 80% hộ cho cầm cố trong thời gian dài (5 - 10 năm).
Điểu Mốt, Phó trưởng thôn 6, xác nhận đồng bào S’tiêng bây giờ cũng tổ chức đám cưới rất linh đình. Để tổ chức một đám cưới ngoài tiền thách cưới 100 triệu đồng, còn mất thêm 40 - 50 triệu đồng để tổ chức tiệc tùng, dàn nhạc, bia chai... trong khi khách mừng cưới chỉ 10.000 - 15.000 đồng. “Thêm một vấn nạn đẩy người S’tiêng vào cảnh nợ nần đó là tục “quay đầu” (trả của). Hôm nay, tôi giết con trâu mời anh thì bằng giá nào anh cũng phải mời lại tôi. Nếu không có thì năm sau, thậm chí 10 năm sau vẫn phải trả”, ông Mốt bộc bạch.
Vay 1 bao gạo trả 1 bao điều
Theo ông Điểu Mốt, việc cầm cố đất trở thành phong trào từ năm 2004. Nếu cầm cố trong thời gian ngắn (1 - 2 năm), 1 ha điều cầm được 8 - 10 triệu đồng, nếu cầm dài hạn (3 - 10 năm) giá trị cầm cố trên 1 ha điều giảm dần, có trường hợp 10 ha điều cầm cố trong 4 năm chỉ 40 triệu đồng. Ngoài ra, việc đi vay nặng lãi (trâu, bò, lợn, gạo, tiền...) cũng diễn ra thường xuyên và kéo dài từ nhiều năm nay. Có hộ vay 5 bao gạo, sau 1 năm phải trả đến 3 tấn lúa, hay 1 bao gạo trả 1 bao điều, vay tiền phải trả lãi suất 5 - 6%/tháng. Điều đáng nói, giữa chủ vườn và người cầm cố, bên cho vay và bên mượn chỉ có hợp đồng bằng miệng hoặc biên bản viết tay nên cơ quan chức năng khó can thiệp, giải quyết khi xảy ra kiện tụng.
Trong khi đó, theo thống kê của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước, đến nay có trên 60% hộ bị mất trắng vườn, không còn đất để canh tác vì cho thầu dài hạn không có khả năng chuộc lại vườn. Thường thì bị "lái buôn" xiết nợ do chưa hết thời gian cầm cố đất mà tiền đã xài hết, đồng bào lại “nài nỉ” để được cầm cố thêm vài năm nữa hoặc vay thêm tiền với lãi suất cắt cổ.
Tình trạng bán điều non và cầm cố đất đai diễn ra chủ yếu ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập với hơn 1.000 hộ (diện tích hơn 1.200 ha) với thời gian từ 1 - 8 năm, có hộ cầm cố đến 26 năm. Ông Lê Cao Hùng rầu rĩ: “Mặc dù chính quyền địa phương có khuyên ngăn, giải thích tác hại của sự việc trên nhưng bà con vẫn cầm cố, vay tiền vì chuyện cưới xin, lễ nghĩa...”.
Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước, cho rằng để ngăn chặn tình trạng trên, cần thanh tra trên diện rộng để nắm bắt tình hình chung, đề ra những biện pháp cụ thể, khắc phục kịp thời. Đồng thời nghiêm cấm việc mua bán điều non dưới mọi hình thức; xử lý các đối tượng môi giới, cho vay nặng lãi, ép buộc sang nhượng đất sản xuất, đất ở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiên quyết cưỡng chế, thu hồi lại diện tích đất chính sách do Nhà nước hỗ trợ đối với một số hộ dân đã cầm cố, sang nhượng trái phép và có biện pháp xử lý thích đáng.
Điểu Mốt dẫn chứng như trường hợp của mình, vào năm 1985, ông lấy vợ phải trả của khoảng 100 triệu đồng (tính theo giá trị hiện nay) theo sự thách cưới của bên vợ: 3 con trâu, 16 con heo, 3 tố xà-nu đựng đầy rượu... Làm lụng ròng rã cho đến năm 2009, Điểu Mốt mới trả xong nợ cho dù hai vợ chồng đã có 6 mặt con. Đứa con trai đầu mới lập gia đình cũng phải mất số tiền thách cưới 100 triệu đồng cùng với 60 triệu đồng đãi cỗ. Điểu Mốt cười: “May nhà có điều kiện nên không phải cầm cố vườn đất. Người anh trai của tôi (ngụ thôn 3) chỉ mới cưới vợ cho 2 người con đầu trong số 5 thằng con trai phải mất trắng 9 ha điều, cũng chỉ vì tục cưới vợ trả của”. Giờ gia đình anh ấy phải cắm bạt ở nhờ trên chính mảnh vườn của mình". |
Nhật Văn - Hùng Sơn
Bình luận (0)