Thầy cô của những... thầy cô!

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
20/11/2021 21:19 GMT+7

Hôm nay, thầy cô nhận được rất nhiều lời chúc trong Ngày Nhà giáo Việt Nam từ học trò. Nhưng chính họ cũng có những thầy cô không thể quên trong sự nghiệp của mình.

Những thầy cô hôm nay họ cũng có thầy cô của mình ngày xưa với những tính cách mà họ nhớ mãi để học theo và truyền dạy lại cho học trò của mình.

Nhiều thầy cô chọn nghề dạy học do ấn tượng về thầy cô cũ của mình

Đ.N.T

Tin vào học trò mình!

GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah, Mỹ) là một người có tuổi thơ đầy cơ cực. Lúc nhỏ, nhà ông ở Sài Gòn rất nghèo. Từ năm 11 tuổi, ngày nào ông cũng dang nắng chang chang ở bến xe lam Sài Gòn để đi bán thuốc lá dạo sau giờ học. Khi gia đình chuyển về Lái Thiêu (Bình Dương), ông chuyển sang nghề… cày mướn để được tiếp tục đến trường.

Trong những ngày đó, ông gặp được một người đặc biệt mà cho đến bây giờ ông vẫn không thể quên. GS Trương Nguyện Thành kể lúc ấy, có thầy Đỗ là một giáo viên môn toán ở Trường THPT Lái Thiêu.

GS Trương Nguyện Thành lúc nhỏ ở Việt Nam

NVCC

"Tôi là một đứa học trò trung bình, khá ngỗ nghịch và hơi ngang ngược. Đầu năm học 1978, Việt Nam tổ chức kỳ thi toán toàn quốc đầu tiên. Các trường THPT tuyển chọn nhóm 3 - 5 người để gửi đi thi toàn tỉnh. Hôm đó, thầy đố các bạn trong lớp một bài toán mẹo. Sau khi các bạn học giỏi không ai giải được, tôi ngồi cuối lớp giơ tay lên. Khi được phép tôi nói: 'Thưa thầy, các bạn giỏi đã thử rồi, nên giờ mà em có nêu ý kiến gì thì cũng không tệ lắm. Thế thầy có cho phép em nói ý của em không?'. Thầy cho phép thì tôi đáp: 'Nếu ta nghĩ theo hướng này.... và nếu có định lý cho phép như thế này ...., thì bài toán có thể giải'. Thầy hỏi: 'Thế định lý ấy là gì?'. Tôi đáp nhanh: 'Nếu em biết thì em là học trò giỏi rồi thầy và ngồi đầu bàn chứ đâu có ngồi ở đây'. Giờ nghĩ lại mình trả lời hơi ngang ngược thiệt!".

Thầy Đỗ không nói gì. Một lúc sau thầy bảo hết giờ thầy muốn nói chuyện. Hết giờ thầy hỏi riêng GS Thành lúc bấy giờ: "Em thông minh sao không chịu học?". GS Thành cười to: "Thầy nói em thông minh nhưng tự em thấy em không thông minh gì. Điểm thì trung bình thôi. Thêm nữa, em học một buổi còn buổi còn lại thì phải làm ruộng hay cày mướn cả luôn cuối tuần. Không có tiền mua sách".

Đầu tuần, thầy Đỗ vào lớp mang theo một túi sách đưa GS Thành đọc, đề nghị GS Thành tham gia vào những giờ dạy thêm để tuyển chọn đội tuyển của trường. Hai tháng sau đó, GS Thành là học sinh dự thính được đi thi toàn tỉnh, sau 3 tháng lại là 1 trong 5 người lọt vào đội tuyển tham gia học sinh giỏi toàn quốc...

GS Trương Nguyện Thành lúc nhận giải thưởng là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi nhiều triển vọng của Mỹ

NVCC

"Kết quả tôi không đậu vào đội tuyển quốc gia (năm đó Lê Bá Khánh Trình đã làm vang danh Việt Nam) nhưng đã cho tôi một nhận thức mà nó thay đổi cả đời tôi còn lại. Nhận thức này có thể diễn đạt qua câu nói của Napoleon Hill: 'Nếu bạn không chinh phục chính bạn thì bạn sẽ bị chinh phục bởi chính bạn'. Thầy đã không vội đánh giá đứa học trò ngỗ nghịch mà còn cho tôi cơ hội để khám phá bản thân. Nếu không có thầy, tôi không có ngày hôm nay".

Với GS Trương Nguyện Thành, trên bước đường khoa học, ông còn gặp nhiều người thầy nữa ở Mỹ. Như một giáo sư hướng dẫn ông làm tiến sĩ ở ĐH Minessota, người đã truyền dạy cho ông mọi thứ về nghiên cứu khoa học. Ngày ông Thành chọn lựa giữa việc đi làm ở công ty với mức lương cao ngất với việc tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ, vị giáo sư này chỉ nói một câu: "Tôi tin cậu. Cậu ra ngoài làm là mất mát lớn cho khoa học". Vì câu nói đó, GS Trương Nguyện Thành đã quyết tâm tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu của mình.

Cơ duyên làm thầy cô là vì gặp... thầy cô!

Cho đến bây giờ, thầy giáo Đỗ Đức Anh, giáo viên dạy văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), người được rất nhiều học trò trên cả nước biết đến, vẫn nhớ như in về những kỷ niệm với cô giáo dạy văn ở cấp THCS.

Thầy Đỗ Đức Anh và học trò trong lớp luyện thi

NVCC

Thầy Đức Anh kể lại: "Hồi đó, cô Xuân Thương dạy văn cho tôi ở THCS và là căn nguyên để đến sau nay tôi yêu nghề dạy học, trở thành một giáo viên dạy môn văn như hiện tại. Những giờ văn của cô giúp học trò cảm được hồn cốt, yêu thích môn văn. Ngoài việc giảng dạy, cô còn quan tâm đến hoàn cảnh cá nhân, cho tôi những lời động viên khi gia đình gặp khó khăn. Cô như người mẹ thứ hai của tôi vậy. Nhờ cô mà tôi học được rất nhiều điều và muốn giống cô, cố gắng dạy văn thật hay, biết quan tâm học trò, truyền cảm hứng cho học trò".

Năm cuối cấp, các thầy cô THPT khuyên thầy Đức Anh không nên chọn nghề để trở thành một giáo viên dạy văn. Nhưng những hình ảnh ngày trước của cô Xuân Thương đã in hằn trong tâm khảm cậu học trò và anh vẫn quyết tâm đi theo nghề nghiệp yêu thích của mình.

"Hai cô trò vẫn liên lạc với nhau. Thỉnh thoảng có dịp về quê, tôi đều ghé thăm cô. Có lần tôi về trường để trao học bổng cho các em học sinh khó khăn ở trường cũ. Cô là người kết nối và cảm thấy rất tự hào. Tôi cũng tự hào là học trò của cô lắm!", thầy Đức Anh chia sẻ.

Cô giáo Lê Hòang Phi Yến, giáo viên môn văn Trường THCS Kiến Thiết (Q.3, TP.HCM), cũng kể lại rằng cơ duyên đưa cô đến với nghề giáo là sự may mắn khi được gặp những người thầy, người cô tuyệt vời.

Cô Lê Hoàng Phi Yến với học trò

NVCC

"Tôi nhớ thầy Châu, người tặng tôi con lật đật và dặn rằng: 'Hãy như con lật đật này, bao nhiêu lần ngã xuống cũng phải đứng dậy mỉm cười nha con'. Tôi nhớ cô Thanh, người bảo: 'Cô tin kỳ thi Văn hay chữ tốt này con sẽ đạt giải cao, không phụ lòng cô'. Cũng chính cô đưa tôi đi làm từ thiện, dạy tôi bài học về sự sẻ chia. Tôi nhớ cô Hân, người lúc nào cũng nhiệt huyết trong các tiết văn, có lần xỉu trên bục giảng hôm sau vẫn đến trường dạy lớp tôi. Tôi nhớ cô Thuỷ, chiều chiều chở tôi về nhà, nấu cơm cho tôi ăn rồi kèm tôi học. Nhớ cả thầy Xuân, người không dạy tôi năm nào nhưng vẫn kiếm sách văn hay tặng tôi, đi nghe tôi hát ngày tôi quay trở về với sân khấu...", cô Phi Yến kể.

Từ cơ duyên ấy, Ngày Nhà giáo Việt Nam này, cô Phi Yến cũng tự hứa với thầy cô: "Ngày 20.11, con chỉ muốn nói con cảm ơn thầy cô nhiều lắm. Con sẽ tiếp tục cố gắng trên con đường này, như cách thầy cô gieo vào lòng con hạt giống thiện lành, nay đã kết trái nở hoa".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.