Thầy cô nỗ lực làm… bạn với trò

20/11/2015 17:21 GMT+7

Nhiều giáo viên giờ đang nỗ lực phá vỡ khoảng cách thầy trò để “được” làm bạn với học sinh, được nghe những lời chia sẻ cởi mở, tin cậy của học trò.

Nhiều giáo viên giờ đang nỗ lực phá vỡ khoảng cách thầy trò để “được” làm bạn với học sinh, được nghe những lời chia sẻ cởi mở, tin cậy của học trò.

Cô Đặng Nguyệt Anh rất hay đi ăn trưa để "chém gió" với học tròCô Đặng Nguyệt Anh rất hay đi ăn trưa để "chém gió" với học trò
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), người nổi tiếng thân thiện với học sinh, không ít lần nhảy flashmob với học trò trong những dịp nhà trường tổ chức các buổi lễ lớn, như khai giảng hoặc chia tay ra trường của học sinh... Có thời gian dài, thầy còn đích thân hẹn với học sinh toàn trường lên mạng nói chuyện trực tiếp vào tối chủ nhật hàng tuần để nghe các em chia sẻ, đối thoại, thậm chí là chất vấn.
“Qua những cuộc trò chuyện ấy, thầy trò chắc chắn là gần gũi và dễ trao đổi với nhau hơn. Quan trọng hơn, thầy cũng phải tự hoàn thiện mình, hoàn thiện cách điều hành quản lý của nhà trường để học sinh “tâm phục”, khẩu phục”, thầy Bình chia sẻ.
Cô giáo Lưu Tú Oanh, dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) luôn được học sinh gọi là “mẹ Oanh” hoặc “mẹ béo” với tình cảm thân yêu. Ngày 20.11 năm nay, học sinh lớp 7K1 do cô chủ nhiệm, mất hàng tuần để lên kế hoạch tổ chức mừng “mẹ Oanh” với những gì bất ngờ nhất có thể. Những vần thơ con cóc, những lời chúc rất nhí nhố và có phần giật cục, nhưng lại làm cô rơi nước mắt vì cảm động.
Nhiều học sinh bày tỏ sự biết ơn khi những ngày đầu đến trường vốn là học sinh nhút nhát, sợ cô chê học chưa tốt nhưng rồi ngược lại, đã luôn được cô động viên để tự tin hơn bằng những lời nói, cử chỉ rất thân mật, xóa tan đi khoảng cách giữa cô và trò.
Facebook của cô Tú Oanh, bạn bè chủ yếu là học sinh. Kết bạn với học sinh, ảnh và status trên Facebook của cô cũng chủ yếu là nói về học sinh của mình. Học sinh tham gia các hoạt động học tập hay đi chơi, hay những khoảnh khắc nhí nhố, đáng yêu của học sinh cũng được cô ghi lại và đưa lên Facebook với những lời khen ngợi làm các em “nức lòng”.
Còn cô Đặng Thị Nguyệt Anh, giáo viên trường chuyên Hà Nội - Amsterdam được học sinh yêu quý không phải chỉ là giáo viên giỏi với nhiều đề văn “lạ”, mà còn vì cô rất hòa đồng với học sinh. Rất nghiêm khắc khi cần nhưng cô Nguyệt Anh cũng sẵn lòng dành thời gian để nghe học trò “buôn” chuyện. Khi hứng khởi với thành tích nào đó của trò, cô lại “khao” cả lớp bữa bún chả hoặc cốc chè để cô trò có thời gian “chém gió”, gần gũi hơn.
Cô Vũ Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho hay, giáo viên chủ nhiệm của trường đều tự nguyện hoặc bắt buộc phải sử dụng Facebook để kết bạn với học trò của mình. Đây là một cách làm rất hiệu quả để thầy trò gần gũi nhau hơn, cũng qua đó, giáo viên có thể phần nào nắm bắt tâm tư của học trò, những điều các em không chia sẻ với thầy cô và cha mẹ nhưng lại chia sẻ trên Facebook.
“Tôi cũng từng nói với giáo viên, để sự việc xảy ra rồi mới tính cách xử lý là hỏng bét. Phải biết các em đang gặp khúc mắc gì để cùng tháo gỡ”, cô Phương Anh nói.
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng đồng ý kết bạn với giáo viên vì sợ bị “soi”. Một giáo viên của trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết: "Có học sinh vẫn đối phó bằng cách dùng hai Facebook, một là để kết bạn với bố mẹ, thầy cô, người lớn, Facebook này thì luôn rất ngoan hiền, vui tươi…; còn một Facebook khác mới là “con người thật”, những bức xúc hoặc những chia sẻ thật lòng chúng sẽ viết ở Facebook này".
Chính vì vậy, cô đã lập một nick giả, từ tên đến hình ảnh rồi những gì viết lên đó cũng đều rất “teen” để được học sinh chấp nhận kết bạn… "Tuy nhiên, biết được tâm tư của học sinh rồi thì cách xử lý cũng phải rất khéo, làm thế nào để các em mở lòng tâm sự với mình ở ngoài đời mới là điều quan trọng", cô giáo này chia sẻ.
Những thay đổi từ tư tưởng, quan niệm, lối sống khiến cho việc giáo dục học sinh cũng ngày càng phức tạp và cách tiếp cận nhiều chiều hơn. Những thầy cô thực sự tâm huyết và năng động sẽ tìm ra cách hiệu quả nhất để gần gũi với học trò, vì chỉ khi hiểu các em thì việc giáo dục mới thực sự có hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.