Thầy cô tiết lộ ‘áp lực lớn nhất’ không phải do thu nhập mà là điều này

Hà Ánh
Hà Ánh
15/11/2021 09:45 GMT+7

Nghề giáo có những niềm vui và cũng chịu không ít những áp lực. Tuy nhiên, nhiều thầy cô cho biết áp lực nhất không phải vì thu nhập mà đến từ những điều khác.

Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy chia sẻ trong talkshow: ‘Nghề giáo - nghề của tình yêu, đam mê' tối qua

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Đó là những chia sẻ gần gũi, thẳng thắn của từ những thầy cô trong chương trình talkshow: "Nghề giáo - nghề của tình yêu, đam mê" do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức tối qua, 14.11.

"Nghề giáo có điều kiện nâng cao thu nhập"

Trong chương trình, vấn đề thu nhập của nghề giáo đã được đặt ra ngay phần đầu. Trước câu hỏi cảm nhận về hiện tượng nhiều giáo viên bỏ nghề do thu nhập, PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, cùng đồng ý dù công sức bỏ ra tương đương với nghề khác nhưng so về mức độ ưu đãi tiền lương, nghề giáo chưa bằng.

Tuy nhiên, PGS-TS Đoan Duy giải thích: “Nhưng ở trường mình, ngoài giảng dạy, thầy cô còn được tạo điều kiện để tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, đăng ký đề tài nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp để tư vấn, xây dựng và chuyển giao các công nghệ mới”.

Nhìn nhận về nghề giáo, Trưởng khoa này nhấn mạnh: “Công việc này mình tự chủ được thời gian và thoả mãn niềm đam mê nghiên cứu các kiến thức mới. Không chỉ thoả mãn đam mê với nghề mà còn có điều kiện nâng cao thu nhập. Công việc này còn tạo cơ hội học thêm, tiếp xúc với người trẻ, gặp gỡ doanh nghiệp… là những điều kiện mà không phải nghề nào cũng có được. Mình thấy rất hạnh phúc với nghề sư phạm của mình”.

“Người thầy giống như người lái đò, khi đò qua sông mà cảm thấy hành khách vui vẻ, hạnh phúc thì mình cũng được vui lây. Nghề giáo cũng vậy, ngoài một công việc đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình, nghề này còn khiến mình thấy mình có ích, có giá trị. Khi sinh viên ra trường có việc làm, công việc tốt, mình cũng cảm thấy tự hào và vui lây”.

PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Duy

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Áp lực lớn nhất là gì?

"Đâu là áp lực lớn nhất của thầy cô?" là câu hỏi đã nhận được sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở từ những người đang đứng trên bục giảng.

Thạc sĩ Phạm Minh Luân, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh, nhìn nhận việc dạy học trực tuyến trong đại dịch Covid-19 có nhiều thuận lợi và cũng được xem là cơ hội với những thầy cô có phương pháp và cách truyền đạt tốt, rất thu hút người học và đạt hiệu quả cao. Nhưng mặt khác, hình thức dạy học này cũng có những rủi ro nhất định, đặc biệt với các thầy cô lớn tuổi thao tác chậm trong những tiết đầu. Thầy cô nên tìm hiểu thêm công nghệ, có những cách ngăn chặn sự xâm nhập quấy rối trong quá trình dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Luân: “Dạy trực tuyến cũng có nhiều áp lực, người thầy phải thay đổi phương pháp, bài vở phải chuẩn bị chỉn chu và phải tạo ra bầu không khí năng động để bài giảng hiệu quả hơn”.

Từ góc nhìn của mình, tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, giảng viên khoa Công nghệ sinh học, nói: “Khi rất nhiệt tình giảng bài trên lớp mà không nhận được sự hưởng ứng của sinh viên, là điều mình rất áp lực. Mình luôn phải tìm cách để thu hút, tìm cách để các em chịu học và để những chia sẻ của mình có thể giúp ích cho các em, ít nhất là trong thi cử”.

Thạc sĩ Phạm Minh Luân

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Rõ ràng là mình đang nhiệt huyết nhưng mình lại không nhận được sự hưởng ứng đó. Bản thân mình cảm thấy đó là điều áp lực, điều đó đang chứng tỏ 'phương pháp truyền đạt của cô có vấn đề', hoặc 'ngoại hình cô chưa hấp dẫn', hay 'bài giảng xấu quá', hay 'cô là tiến sĩ gây mê'... Từ những câu hỏi đó mình luôn tìm cách thay đổi để không khí của lớp được hoạt bát và sôi nổi hơn, đặc biệt trong tình huống học trực tuyến hiện nay”, tiến sĩ này tâm sự.

PGS-TS Lê Nguyễn Đoan Duy cũng tâm tình: “Đứng trên bục giảng thì áp lực chắc chắn có, nhiều khi mình phải tự tạo áp lực cho mình thì công việc mới tốt lên được”. Ông nói thêm: “Khi giảng bài trực tiếp trên lớp, nhìn xuống dưới nhận thấy ánh mắt háo hức, đam mê của sinh viên thì mình có động lực, phấn khích dạy hay hơn nữa. Nhưng trong lớp học trực tuyến, mình giảng bài nhưng không biết sinh viên có học hay không nên mình thường đặt ra các câu hỏi. Thậm chí đặt câu hỏi nếu sinh viên lâu quá không ai trả lời thì mình hỏi luôn theo mã số sinh viên để nghe trả lời và mình thấy hiệu quả bài giảng của mình hiệu quả đến như thế nào”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.