Thấy dị vật trong món ăn: Khách và nhà hàng nên xử lý thế nào cho đúng?

11/08/2023 12:06 GMT+7

Không ít trường hợp cả thực khách lẫn nhà hàng bối rối xử lý tình huống khi bất ngờ phát hiện có "dị vật" trong món ăn. Trong trường hợp này, làm gì để hợp lý, hợp tình cho đôi bên?

Thời gian gần đây, nhiều bài đăng tố hàng, quán phục vụ món ăn có "dị vật" cho khách xuất hiện liên tục trên mạng xã hội khiến nhiều người ngán ngẩm. Vì đâu nên nỗi?

“Thương lượng, hòa giải là cách tối ưu nhất!”

Trả lời cho câu hỏi trên, một chủ nhà hàng ở TP.HCM từng bị khách đăng bài tố vì câu chuyện "dị vật" cho biết sự việc có lẽ sẽ không đi quá xa như vậy, nếu thời điểm khách phản ánh, nhân viên ở quán biết cách xử lý tình huống và làm hài lòng khách.

Phát hiện dị vật trong món ăn: Thực khách, nhà hàng nên xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Một quán bún bò ở TP.HCM từng bị khách tố có dao lam hồi tháng 5.2023 gây xôn xao mạng xã hội.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Chính cách xử lý còn ngây ngô của nhân viên, khi lần đầu quán gặp phải trường hợp này đã khiến khách không hài lòng. Bước giải quyết ban đầu không tốt nên mọi nỗ lực về sau của quán bù đắp cho khách, đều không có hiệu quả dẫn tới lùm xùm không đáng có", chủ nhà hàng này thừa nhận.

Trong khi đó, vị khách tố nhà hàng này cũng cho biết chính cách xử lý "không thể chấp nhận được" của nhà hàng là điều khiến anh phẫn nộ, quyết làm tới cùng sự việc chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc quán phục vụ đồ ăn có "dị vật". Dù ai đúng, ai sai, vụ việc cũng gây ra những trải nghiệm không vui cho nhà hàng lẫn thực khách.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết thời gian qua, luật sư cũng có theo dõi và biết được như vụ việc thực khách tố nhà hàng phục vụ đồ ăn có "dị vật" như báo chí đã phản ánh.

Theo đó, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, luật sư khuyên rằng khi phát hiện có "dị vật" trong món ăn, khách cần báo ngay cho chủ quán để cùng nhau giải quyết một cách ổn thỏa. “Nếu không giải quyết được thì có thể mời cơ quan chức năng can thiệp giải quyết. Tuy nhiên, thương lượng hòa giải là biện pháp tối ưu nhất", luật sư nói.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, điều 31 luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định: “Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu".

Phát hiện dị vật trong món ăn: Thực khách, nhà hàng nên xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư cho biết thương lượng, hòa giải giữa khách và chủ nhà hàng khi chẳng may phát hiện có dị vật trong món ăn là biện pháp tối ưu nhất.

NVCC

Luật cũng quy định người tiêu dùng phải có chứng cứ chứng minh việc minh khiếu nại và căn cứ này là hợp pháp, đúng theo quy định của pháp luật. “Cụ thể, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cho phép khi phát hiện một hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn các cách.

Một là, liên hệ trực tiếp với tổ chức, cá nhân kinh doanh để yêu cầu được giải quyết theo phương thức thương lượng; hai là nhờ một tổ chức, cá nhân thứ ba (các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các công ty, văn phòng luật hoặc bất kỳ một tổ chức cá nhân nào khác đủ năng lực) tham gia”, luật gia nói thêm.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, thực khách khi phát hiện quán ăn, nhà hàng có "dị vật" nên xử lý theo quy định của pháp luật cũng như cần thận trọng khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội mà không cho chứng cứ xác thực để tránh gặp phải các rắc rối về mặt pháp lý.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo gì?

Trao đổi với Thanh Niên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết khi gặp tình trạng "dị vật" trong thức ăn, thực khách nên lưu lại hình ảnh thực tế tại thời điểm phát hiện và báo nhanh cho nhân viên hoặc chủ cơ sở để giải quyết sự việc.

Đơn vị hướng dẫn khi thực khách phát hiện "dị vật" có thể liên hệ, phản ảnh qua đường dây nóng của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, ủy ban nhân dân phường/xã, quận/huyện, TP.Thủ Đức hoặc Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (các Đội Quản lý an toàn thực phẩm) trên địa bàn xảy ra sự việc.

Phát hiện dị vật trong món ăn: Thực khách, nhà hàng nên xử lý như thế nào? - Ảnh 3.

Thực khách có thể báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện "dị vật" trong món mình ăn để được giải quyết thỏa đáng.

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tiếp nhận thông phản ánh, kiến nghị về các vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn, các bệnh truyền qua thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thông qua đường dây nóng 02836101318 hoặc email: pqlndtp.bqlattp@tphcm.gov.vn.

Theo đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết khi nhận thông tin phản ánh, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra và xử lý (nếu có) theo chức năng nhiệm vụ được giao và thực hiện theo quy định pháp luật.

Theo UBND TP.HCM, Ban Quản lý an toàn thực phẩm là mô hình mới, được Thủ tướng cho phép TP.HCM thí điểm từ tháng 12.2016, kéo dài 3 năm. Đến ngày 1.4.2020, Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian thí điểm thêm 3 năm. Cơ quan này trực thuộc UBND TP.HCM, có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật vi phạm hành chính và an toàn thực phẩm. Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.