'Thầy đồ xứ Nghệ' 12 năm gieo chữ nơi vùng cao Quảng Trị

17/11/2021 16:11 GMT+7

Sinh ra tại Nghệ An nhưng bén duyên với vùng cao Quảng Trị, thầy giáo Phan Hoàng Bách đã có hành trình 12 năm đi gieo chữ tại huyện Đakrông, một huyện nghèo khó nhất Quảng Trị.

Theo vợ về vùng cao Quảng Trị

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng ngành lịch sử, năm 2007 ra trường thầy giáo Phan Hoàng Bách (38 tuổi) dạy học 1 năm ở quê hương Nghệ An, trước khi quyết định về quê vợ. Thời sinh viên, anh đem lòng yêu cô gái ở thôn Phú Thành, xã Mò Ó, H.Đakrông (Quảng Trị), sau này trở thành vợ và đồng nghiệp cùng dạy tại Trường THPT Đakrông. Đấy là chị Đinh Thị Hương, năm nay 37 tuổi.

Thầy Bách với nụ cười rạng rỡ

NVCC

Những ngày mới đến dạy học tại Trường THPT Đakrông, thầy giáo Bách không khỏi bỡ ngỡ. Bởi từ một giáo viên đang dạy ở vùng đồng bằng Nghệ An, học sinh người Kinh, đường sá dễ đi lại, bây giờ phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn khác biệt.

“Trong khoảng 6 tháng đầu ở đây, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi "bất đồng" về ngôn ngữ, giọng nói hay phong tục tập quán của người Vân Kiều. Nhưng một thời gian sau, tất cả lại đâu vào đấy. Tôi cảm thấy may mắn khi mình thích nghi nhanh chóng với vùng đất này”, thầy Bách chia sẻ.

Huyện Đakrông tập trung khá nhiều người dân tộc Vân Kiều sinh sống. Học trò của thầy giáo Bách cũng chủ yếu là người Vân Kiều. Trong 12 năm giảng dạy, không ít lần thầy Bách phải lặn lội đến tận nhà, động viên các em đi học.

“Tôi luôn dành thời gian để khuyên nhủ học trò về giá trị của việc học, và cũng tìm các nguồn tài trợ để giúp các em có thêm điều kiện đến trường. Dù sau này có gắn bó với nương rẫy nhưng các em vẫn sẽ có một cái nhìn rộng hơn về cuộc sống”, thầy giáo Bách tâm sự.

Thầy giáo Bách được nhiều học trò vùng cao Đakrông yêu mến

NVCC

Thầy giáo Bách còn tổ chức nhiều hoạt động trong trường lớp để "lôi cuốn" học trò. Để tiết học môn sử không nhàm chán, anh thường dùng giáo án điện tử, có hình ảnh, âm thanh, video... sinh động minh họa thay cho câu chữ dài dòng. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Bách còn tổ chức tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn để học sinh có cách tiếp cận với kiến thức dễ dàng hơn.

12 năm "đất lạ hóa quê hương"

Không chỉ đứng lớp, thầy giáo Bách cũng từng là thủ lĩnh Đoàn. Những ngày làm công tác Đoàn, anh tổ chức rất nhiều hoạt động giúp đỡ các học sinh Vân Kiều khó khăn.

Thầy Bách hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện xã hội

NVCC

Một trong những hoạt động thanh niên sôi nổi đó có thể kể đến chương trình “Cùng em đi qua mùa Đông” đã được thầy giáo Bách duy trì suốt 4-5 năm nay. Anh kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ áo ấm cho học sinh nghèo có áo ấm đến trường.

Trong thời kỳ dịch Covid-19, thầy giáo Bách cũng là người mở “ATM gạo” cho học sinh gặp khó khăn. Anh còn mở quỹ quyên góp giúp đỡ trẻ em khuyết tật, chất độc màu da cam và lặn lội vào các xã biên giới như A Ngo, A Vao... để giúp đỡ người dân mùa mưa lũ.

"ATM gạo" của thầy giáo Bách

NVCC

Trong dịp hè năm 2020, thầy giáo Bách cũng nghĩ đến ý tưởng tận dụng chai nhựa cũ, kết và quây thành khu riêng để các em nhỏ vùng núi Đakrông có khu vực bơi an toàn.

“Những chuyến đi công tác, nghe giọng của tôi ai cũng hỏi tôi đến từ vùng nào của Nghệ An, nhưng tôi đều nói với họ: "Tôi là người Quảng Trị". Tôi đến đây, ban đầu là để được gần vợ, nhưng quả thực mảnh đất, con người ở đây khiến tôi có quá nhiều tình cảm. Để bây giờ tôi coi đây như là quê hương thật sự của mình”, thầy giáo Bách chia sẻ.

Trong hành trình 12 năm, thầy giáo Bách đã cống hiến hết mình trên vùng đất nghèo khó nhất Quảng Trị, làm người "đưa đò" cho bao thế hệ học trò. Thầy được trao nhiều danh hiệu cao quý, tiêu biểu nhất là danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giỏi… Đặc biệt, thầy giáo Bách là một trong 162 giáo viên cả nước được Bộ GD-ĐT trao bằng khen Giáo viên tiêu biểu năm 2021.

Thầy giáo Bách được Bộ GD-ĐT công nhận, trao bằng khen Giáo viên tiêu biểu năm 2021

NVCC

Thầy Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Đakrông, đánh giá thầy giáo Bách là một giáo viên giỏi, có tâm huyết rất lớn với vùng núi Quảng Trị.

“Mặc dù ở vùng đất khác đến đây công tác, nhưng trong 12 năm qua thầy Bách đã cống hiến rất nhiều cho trường cũng như các em học sinh. Một điều đáng tuyên dương ở thầy Bách là luôn làm tròn trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những giáo viên như thầy Bách chính là con thuyền vững chắc để chèo lái các em học sinh nghèo khó đạt đến những điều tốt đẹp nhất”, thầy hiệu trưởng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.