Một trong số những ý kiến đáng chú ý nhất là hiện ngành giáo dục chưa có giáo viên được đào tạo tích hợp, trong khi thầy cô dạy đơn môn sau một thời gian tập huấn ngắn chuyển sang dạy môn tích hợp khiến chất lượng dạy học không như mong muốn.
Trước ý kiến của nhiều nhà giáo về những khó khăn, bất cập liên quan đến dạy học môn học tích hợp ở cấp THCS theo chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ thay đổi trong thời gian ngắn sắp tới.
Như vậy, việc thay đổi dạy môn tích hợp (khoa học tự nhiên; lịch sử và địa lý, nghệ thuật và nội dung giáo dục địa phương) nên được thực hiện như thế nào để không gây ra sự xáo trộn?
Là giáo viên được đào tạo đơn môn lịch sử với 37 năm kinh nghiệm giảng dạy, xin đề xuất một số giải pháp thay đổi môn tích hợp.
Giữ nguyên chương trình, điều chỉnh môn tích hợp thành phân môn
Bộ GD-ĐT cần giữ nguyên chương trình GDPT 2018 vì đây là một chương trình chuẩn, thống nhất, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, tiên tiến, phù hợp với thực tế Việt Nam và thầy cô, học sinh dần tiếp cận đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là chưa có giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp. Sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng hai hoặc ba thầy cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tách nội dung môn tích hợp thành những nội dung độc lập: lý, hóa, sinh, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật để đảm bảo mục tiêu yêu cầu cần đạt của từng phân môn, mà không làm ảnh hưởng đến nội dung tổng thể chương trình GDPT 2018.
Không cần in lại sách giáo khoa tích hợp
Những sách giáo khoa môn tích hợp đã được xuất bản thì không cần in lại hay tách riêng vì học sinh có thể sử dụng một quyển sách tích hợp lịch sử và địa lý để học hai môn: lịch sử, địa lý (tiết kiệm được tiền mua sách khác).
Nếu tái bản thì nhà xuất bản chỉ cần tách riêng ra từng môn cho thuận tiện sử dụng. Riêng phần chủ đề chung trong môn tích hợp lịch sử và địa lý cũng đơn giản, nếu nội dung chủ đề chung nặng về kiến thức phân môn nào thì phân môn đó đảm nhận cũng là phù hợp.
Tương tự, môn khoa học tự nhiên cũng nên được tách ra thành các môn độc lập với nhau: lý, hóa, sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học.
Ngoài ra, nội dung giáo dục địa phương 6, 7, 8 hiện do các địa phương biên soạn gồm 6 phân môn (ngữ văn, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân) gộp lại trong một quyển sách.
Nhiều giáo viên đề nghị nên xóa, phân tách môn nội dung giáo dục địa phương ra thành các phần độc lập riêng và trả về cho các môn học đơn lẻ. Khi đó, giáo viên chỉ thực hiện lồng ghép tích hợp trong từng môn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, phân chia thời khóa biểu.
Không dùng giáo viên đơn môn dạy tích hợp
Trong khi chưa có lực lượng giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản, nếu vẫn tiếp tục sử dụng thầy cô dạy đơn môn để dạy môn tích hợp thì chất lượng sẽ không đảm bảo và không đúng với chương trình GDPT 2018. Vì vậy, việc để thầy cô dạy đơn môn của mình là cần thiết, hợp lý, khoa học trong hoàn cảnh này.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá cần được điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Chẳng hạn có thể thực hiện chấm điểm đơn môn để tránh gây rắc rối, phức tạp như cách đánh giá gộp chung môn tích hợp hiện nay. Đây là điều quan trọng nhất và Bộ GD-ĐT nên nhanh chóng điều chỉnh để thực hiện chương trình GDPT 2018 tốt hơn, đúng trọng tâm: dạy học phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.
Bình luận (0)