Tờ Southern Metropolis Daily vừa loan tin Trung Quốc đang âm thầm thực hiện cuộc cải tổ quân đội lớn nhất kể từ năm 1989. Từ tháng 7, nước này thực hiện đến 14 quyết định thuyên chuyển các tướng lĩnh trong lực lượng hải quân, không quân, quân khu Lan Châu, quân khu Quảng Châu, quân khu Thành Đô, Lực lượng đồn trú Hồng Kông, Tổng cục Hậu cần và Vũ cảnh. Sự thay đổi nhân sự cấp cao cũng diễn ra ở hạm đội Nam Hải và Bắc Hải.
Theo Tân Hoa xã, trung tướng Vương Tăng Bát (62 tuổi), Chính ủy Lực lượng đồn trú Hồng Kông, sẽ chuyển về làm Phó chính ủy Quân khu Thành Đô. Tiếp nhận vị trí của tướng Vương sẽ là thiếu tướng Nhạc Thế Hâm thuộc quân khu Quảng Châu. Ngoài ra, trung tướng Hoàng Gia Tường, Chính ủy Hạm đội Nam Hải, sẽ nghỉ hưu. Trong khi đó, ông Phòng Kiến Quốc (57 tuổi) sẽ được thăng cấp từ Phó chính ủy Không quân quân khu Lan Châu lên làm Phó chính ủy Không quân Trung Quốc, theo BBC. Chủ nhiệm Phòng Chính trị quân khu Lan Châu Miêu Hoa (56 tuổi) sẽ giữ chức Chính ủy quân khu Lan Châu. Chủ nhiệm Phòng Hậu cần Không quân Trung Quốc Lưu Kiện được điều sang làm Phó chính ủy quân khu Lan Châu kiêm Chính ủy Không quân quân khu Lan Châu.
Nguyên cớ vì đâu ?
Tờ Southern Metropolis Daily nhận định rằng các thay đổi nhân sự tại quân khu Lan Châu và Thành Đô là đáng chú ý nhất. Theo đó, những tướng lĩnh mất chức hoặc phải nghỉ hưu vì bị cho là ủng hộ và liên quan đến một số âm mưu thâu tóm quyền lực của cựu Bí thư Bạc Hy Lai. Ngày 15.4, tờ South China Morning Post (Hồng Kông) loan tin chính quyền Trung Quốc đã cử 5 nhóm công tác đặc biệt điều tra mối quan hệ giữa lãnh đạo quân khu Thành Đô với ông Bạc Hy Lai. Mục tiêu mà các cuộc điều tra hướng đến là những sĩ quan quân đội cấp cao có dính líu đến việc làm phi pháp của ông Bạc hay không. Trước đó một ngày, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng đến thăm quân khu Thành Đô. Tại đây, ông Quách kêu gọi quân đội phải hết lòng phục tùng sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc do Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đứng đầu, theo Tân Hoa xã.
Vốn dĩ, ông Bạc được cho là có quan hệ mật thiết với giới sĩ quan cấp cao của quân khu Thành Đô, đảm trách khu vực tây nam gồm tỉnh Trùng Khánh và Tứ Xuyên. Trước đây, nhiều nguồn tin khẳng định ông Bạc từng lưu lại một doanh trại quân đội thuộc quân khu Thành Đô để đảm bảo an toàn khi tiến hành chiến dịch trấn áp tội phạm ở Trùng Khánh. Ngoài ra, ông Bạc còn bị cho là từng nghe lén điện thoại nhiều quan chức lãnh đạo Trung Quốc gồm cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Theo tờ The New York Times, hơn 10 nguồn tin có quan hệ với đảng Cộng sản Trung Quốc xác nhận chương trình nghe lén trên xảy ra tại Trùng Khánh từ cách đây vài năm.
Bên cạnh đó, tờ Southern Metropolis Daily loan tin một quan chức cấp cao tại Bắc Kinh tiết lộ việc thay đổi nhân sự còn nhằm đảm bảo “sự ổn định” sau khi ông Hồ Cẩm Đào bàn giao chức vụ lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc trong tương lai.
Lực lượng vũ cảnh Được thành lập hồi năm 1982, Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Vũ cảnh) đảm trách công tác an ninh nội địa như: trấn áp bạo loạn, tấn công khủng bố và một số trường hợp khẩn cấp khác. Theo tờ China Daily, lực lượng này có khoảng 660.000 người, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của 2 cơ quan là Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương. Vũ cảnh được quyền thiết lập chốt an ninh để kiểm tra bất cứ ai ở các khu tự trị, tỉnh thành tại Trung Quốc. Trong đợt bạo động khiến 200 người chết tại Tân Cương hồi năm 2009, người ta cũng thấy có sự hiện diện của lực lượng Vũ cảnh. Theo tờ The New York Times, quân số thực tế của Vũ cảnh có thể lên đến 1,5 triệu. |
Trùng Quang
>> Nhật lo ngại giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc
>> Trung Quốc lộ rõ mưu đồ ở biển Đông
>> Trung Quốc bàn chuyện biển Đông với 3 nước ASEAN
>> Tàu chiến Trung Quốc lượn lờ Địa Trung Hải
>> Trung Quốc tung “ngư dân bảo vệ Tam Sa”
>> Phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở biển Đông
>> Trung Quốc sắp biên chế chính thức tàu sân bay?
Bình luận (0)