Thay đổi nhỏ cần thiết

14/09/2015 06:23 GMT+7

Ở VN, hình như ngành nghề nào cũng có đồng phục. Từ các bé nhà trẻ, mẫu giáo cho đến học sinh phổ thông, sinh viên đại học và cả công nhân vệ sinh; ngoại trừ hướng dẫn viên du lịch. Đồng phục cho nghề này chưa có, thậm chí chưa ai nghĩ tới, dù điều kiện cấp thẻ hành nghề rất khó khăn. Ngành du lịch chỉ mới có đồng phục từng công ty, từng đơn vị.

Ở VN, hình như ngành nghề nào cũng có đồng phục. Từ các bé nhà trẻ, mẫu giáo cho đến học sinh phổ thông, sinh viên đại học và cả công nhân vệ sinh; ngoại trừ hướng dẫn viên du lịch. Đồng phục cho nghề này chưa có, thậm chí chưa ai nghĩ tới, dù điều kiện cấp thẻ hành nghề rất khó khăn. Ngành du lịch chỉ mới có đồng phục từng công ty, từng đơn vị.

Đồng phục với hướng dẫn viên (HDV) không phải là chuyện hình thức, người có ta cũng có hay vẽ chuyện cho thêm phiền phức, mà nhờ bộ đồng phục, việc kiểm tra thẻ hành nghề sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi mà tình trạng hướng dẫn chui không được đào tạo, huấn luyện lẫn quản lý khá phổ biến hiện nay. Đặc biệt là du khách sẽ an tâm hơn khi nhìn sắc áo biết là HDV có nghề. Bởi ít ai dám hỏi, thật ra không được quyền hỏi, trừ thanh tra du lịch kiểm tra thẻ HDV.
Mặt tích cực của đồng phục ngoài việc tạo sự bình đẳng nghề, niềm tự hào về màu cờ sắc áo, còn hạn chế bớt những tiêu cực nghề nghiệp và tật xấu của công dân. Mặc đồng phục, tự thân HDV sẽ chỉn chu hơn; xã hội sẽ thấy ngay HDV nào dám vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, nhậu nhẹt bê tha hoặc chửi thề, đánh lộn... Song song với chuyện nâng chất nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng, HDV cần phải có hình thức tương xứng mà đồng phục là việc cần làm ngay. Campuchia đã có đồng phục HDV hơn chục năm nay. Nhiều nước còn quy định nghiêm ngặt phạm vi hoạt động theo khu vực dựa theo màu đồng phục của HDV.
Cơ quan quản lý chỉ nên quy định màu và kiểu áo riêng cho nội địa và quốc tế. Việc tổ chức may theo mẫu là phần việc của các công ty du lịch, tránh lại nảy ra tình trạng ôm đồm phải mua, đăng ký, cấp phát theo mẫu thống nhất lại gây ra nhiều phiền toái. Trên áo sẽ có phù hiệu HDV (theo mẫu chung). Nếu cần, thêu thêm tên và số thẻ.
Khi đã có quy định về đồng phục, cần thiết có thêm quy định về tóc tai, ngôn phong và cả những điều cấm kỵ. “Chiếc áo không làm nên thầy tu” nhưng cũng nói lên phần nào tính cách người mặc. Du khách khó mà có thiện cảm với những HDV tóc dựng đứng, nhuộm màu ngũ sắc hoặc cạo trọc... HDV mặc đồng phục tươm tất và tác phong chững chạc chính là tự tôn trọng mình và tôn trọng du khách.
Việc cần thiết, giản đơn và cấp bách nhưng không thể chủ quan, vội vã. Nên tham khảo ý kiến cả du khách lẫn HDV. Từ màu sắc đến kiểu may, chất lượng và cách triển khai. Kinh nghiệm cho thấy, một chủ trương đúng đắn có thể bị phá sản nếu cách thực hiện áp đặt và thiếu khoa học. Đồng phục HDV phải thể hiện được tính chất nghề nghiệp, gọn gàng, trang nhã, thực tế. Không cần phải áo dài hoặc veston, cravat khi đi hướng dẫn vì do đặc thù nghề và thời tiết cũng không phù hợp.
Nếu con người là yếu tố quyết định sự phát triển xã hội thì HDV chính là động lực cho du lịch VN tăng tốc. Trên đường tour, HDV không chỉ là những “Quyền giám đốc công ty”, “Nhân viên ngành ngoại giao nhân dân” mà còn là bộ mặt của địa phương và cả đất nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.