Thay đổi tư duy nông nghiệp

29/11/2018 04:57 GMT+7

Những bất cập trong luật Đất đai 2013, đặc biệt là chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp VN trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tổ chức sản xuất lớn.

Đó là vấn đề đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết tam nông mới đây.
Nếu tính từ khi triển khai nghị quyết, đã là một thập niên. Nếu tính từ khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực, cũng đã 5 năm. Dù là mốc nào, cũng là quãng thời gian quá dài cho sự tồn tại của những cơ chế, chính sách chưa phù hợp.
Nếu đứng trên góc độ của cách mạng công nghiệp 4.0 mà chúng ta đang nói hằng ngày, hằng giờ... thì đó không phải sự chậm trễ mà là sự thụt lùi. Vấn đề tích tụ ruộng đất, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, cơ giới hóa nông nghiệp được đặt ra rất lâu rồi nhưng kết quả là “quy mô trang trại của hộ gia đình VN thuộc nhóm nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới. Canh tác manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến, quy mô này chỉ đạt 0,18 ha trên mỗi thửa đất và 2,5 thửa đất trên mỗi hộ gia đình”.
Tất nhiên không chỉ việc này, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quy hoạch nơi nào trồng cây gì, nuôi con gì; tín dụng cho nông nghiệp; xây dựng ngành công nghiệp chế biến để hạn chế xuất thô; kiểm soát từ ruộng vườn đến bàn ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp. Nông nghiệp luôn có tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt có nhiều thời gian làm trụ đỡ khi các ngành kinh tế khác bị khủng hoảng. Hàng loạt mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu mang về nhiều tỉ USD cho đất nước; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt sau chương trình nông thôn mới...
Nhưng nhìn vào những tồn tại có thể nhận thấy, việc chậm trễ trong xây dựng, điều chỉnh những chính sách mang tính quyết định đã khiến nền nông nghiệp của chúng ta chưa thể đột phá dù có nhiều lợi thế, tiềm năng. Chúng ta kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng lại đẩy họ vào thế rủi ro nếu muốn tích tụ ruộng đất, vậy ai sẽ dám làm? Chúng ta triển khai tái cơ cấu nông nghiệp cả thập niên qua nhưng các vấn nạn “được mùa rớt giá”, sử dụng thuốc hóa học trong nuôi, trồng, bảo quản; truy xuất nguồn gốc... không giải quyết được. Chúng ta nói liên kết “3 nhà” rồi đến “4 nhà” nhưng thực tế chưa như ý muốn.
“Trong thập niên tới hay một vài thập niên tới đây, VN sẽ đứng ở đâu. Chúng ta có thể đứng trong nhóm 15 nước dẫn đầu về nông nghiệp được không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng nền nông nghiệp, trước tiên, phải bước chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng.
Nếu không thay đổi tư duy, xắn tay vào làm thì có lẽ nông nghiệp VN sẽ mãi chỉ là người khổng lồ trên đôi chân đất sét mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.