Thấy gì từ bội chi ngân sách?

12/11/2010 01:14 GMT+7

Trong các năm từ 2006 trở về trước, tỷ lệ bội chi so với GDP của nước ta chỉ ở mức trên dưới 4%. Từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ đó đã vượt qua mốc 5%, thậm chí có năm rất cao (năm 2007 là 7,3%, năm 2008 là 5,2%, năm 2009 là 6,9%).

Năm 2010, dự toán đề ra là 6,2%, thực tế có thể đạt 5,95% vừa thấp hơn năm trước, vừa thấp hơn dự toán (nếu tính cả trái phiếu chính phủ phát hành để chi đầu tư, chi cho một số chương trình mục tiêu quốc gia, thì tỷ lệ bội chi so với GDP vẫn rất cao, khoảng 7%). Kế hoạch 2011, Chính phủ đề nghị tỷ lệ 5,5%, Quốc hội phê duyệt 5,3%, vừa thấp hơn tỷ lệ của năm trước, vừa thấp hơn tỷ lệ do Chính phủ đề nghị.

Một điều không khó nhận thấy là bội chi ngân sách là một trong những cân đối kinh tế vĩ mô quan trọng, đồng thời còn tác động đến các mối quan hệ cân đối kinh tế vĩ mô khác. Nó là tiềm ẩn của lạm phát. Bội chi thì phải bù đắp bằng phát hành tiền, bằng vay nợ, bao gồm vay trong nước và vay nước ngoài, trong khi đến cuối năm nay, so với GDP dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5%, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% và dư nợ công bằng 56,7%. Vay nợ, nhưng nếu cứ tăng lên, thì vay mới sẽ cũng chỉ đáp ứng được, thậm chí không đủ trả nợ cũ; nếu sử dụng không tốt, kể cả việc cho vay lại mà sử dụng không tốt, thì nợ sẽ chồng lên nợ.

Còn có một cách khác để giảm bội chi là tăng thu, nhưng tăng thu cũng phải dựa trên tăng hiệu quả, nuôi dưỡng nguồn thu, khoan thư sức dân, chứ không phải cứ tăng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP thì có khi còn tác dụng ngược. Hơn nữa, tỷ trọng các khoản thu không trực tiếp phản ánh hiệu quả của nền kinh tế, sẽ không bền vững và sẽ không còn lớn như hiện nay (tỷ trọng thu từ dầu thô thường xuyên ở mức trên dưới 22%, tỷ trọng thu từ hải quan cũng chiếm trên dưới 20%, tỷ trọng thu từ nhà đất còn chiếm trên dưới 10%); thu viện trợ và các khoản ưu đãi về ODA cũng sẽ giảm,...

Một điều khác cần nhận thấy, đó là nguyên nhân của bội chi. Nếu GDP là hiệu quả thì tỷ lệ động viên GDP vào ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. Song do quy mô GDP vẫn còn nhỏ, nên quy mô thu ngân sách chưa đủ lớn. Chiếc “bánh” GDP còn nhỏ thì việc chia ra các phần cũng không thể to được. Nhìn trong thời gian dài 5 năm qua, tốc độ tăng của chi cao hơn của thu, nên bội chi trong 5 năm gần đây cao gấp 2,67 lần so với 5 năm trước đó.

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi thuộc loại cao, trong khi hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước nói chung và của ngân sách nhà nước còn thấp. Chi thường xuyên vượt dự toán, một phần do bộ máy còn cồng kềnh và tăng lên, trong khi tiền lương vẫn phải đuổi theo giá, chi cho một số lĩnh vực như khoa học - công nghệ, bảo vệ và cải thiện môi trường còn ít và hiệu quả thấp...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.