Bộ GD-ĐT chốt ngày thi tốt nghiệp THPT 2023, thí sinh cần lưu ý gì?
PGS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết năm nay Bộ công bố lịch thi và đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay ngày đầu tiên của tháng 3 là sớm hơn năm trước. Theo ông Chương, đề thi tham khảo gồm cấu trúc và dạng đề đều nằm trong chương trình phổ thông. Nội dung đề thi đều nằm trong chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12. "Từ nay đến kỳ thi còn dài, các em hoàn toàn có đủ thời gian để ôn tập. Đây là kỳ thi quan trọng và chủ lực để xét tuyển ĐH, nghề nghiệp nên các em nên dành sự tập trung lớn nhất", ông Chương nói.
MÔN VĂN: QUEN THUỘC VÀ CHƯA THỂ "TRIỆT TIÊU" VĂN MẪU
Bà Phạm Hà Thanh, giáo viên (GV) Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.Hà Đông, Hà Nội), cho rằng đề thi tham khảo môn ngữ văn năm nay về cơ bản vẫn giữ đúng cấu trúc, kiểu dạng câu hỏi như đề tham khảo và đề thi chính thức năm 2022. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với học trò. Chỉ có điều thơ trong đề tương đối nhiều, ở cả phần đọc hiểu và nghị luận văn học, trong khi mọi năm thơ và văn xuôi cân bằng hơn.
Theo cô Thanh, với cách ra đề như vậy, học sinh (HS) trung bình, ôn tập bám sát nội dung chương trình sẽ dễ để đạt 5 - 6 điểm. Với HS khá, giỏi sẽ dễ đạt 8 điểm.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc liệu đề thi ngữ văn có thể "tuyên chiến" được với văn mẫu như kỳ vọng của Bộ GD-ĐT trong thời gian gần đây hay không, cô Thanh cho rằng vì đề thi là quen thuộc nên không kỳ vọng sẽ có đột phá trong bài làm của HS.
TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên GV ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cũng nhận xét: "Nhìn chung, đề tham khảo môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 không có thay đổi đột biến nào so với mô hình đề thi mấy năm nay, đó sẽ là những định hướng đem lại cảm giác an toàn cho thầy và trò trong thời gian ôn luyện, dù phần đông GV và HS vẫn mong đợi nhiều hơn những sự mới mẻ, mong đề thi chính thức vừa sức, có khả năng phân hóa, vừa có vấn đề để suy ngẫm, dung nạp phản biện trái chiều, tạo hứng thú cho thí sinh khi làm bài. Bởi bản chất của đề là phải có vấn đề".
Còn GV Lê Hải Minh, dạy lớp 12 tại một trường THPT ở Q.10 (TP.HCM) cho biết đề tham khảo vẫn nằm trong cấu trúc chung của đề thi THPT các năm vừa qua.
MÔN TIẾNG Anh: Không có câu hỏi cực dễ hoặc cực khó
Bà An Thùy Linh, GV tiếng Anh Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), đánh giá tích cực về đề tham khảo năm nay và cho rằng đề thi đã bỏ đi một số câu hỏi dễ đến mức "nhắm mắt cũng làm được" như từng xuất hiện trong đề thi các năm trước, tuy nhiên ở phần phân hóa cũng không có câu hỏi mang tính đánh đố HS. Theo bà Linh, đề thi không có tính mới nhưng so với năm trước, việc dạy học bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, kiến thức tinh giản nhiều thì năm nay đề thi ở trong trạng thái học tập bình thường như vậy là phù hợp. "Đề năm nay cân bằng độ dễ - khó, kích thích HS phải học chăm chỉ hơn, đầu tư công sức hơn cho môn học này. HS khá giỏi sẽ không khó đạt điểm 8 - 9 nhưng chắc chắn sẽ không có nhiều điểm 10", bà Linh nói. A
GV Nguyễn Thanh Khương, Trường quốc tế Á Châu, nhận xét đề vẫn có cấu trúc như những năm qua. Đề có 2 câu phát âm; 2 câu về dấu nhấn trọng âm; 15 câu về ngữ pháp, từ vựng và giới từ với sự phân hóa đều về kiến thức cũng như 4 mức độ của câu hỏi (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao).
MÔN TOÁN: HS NẮM VỮNG KIẾN THỨC CÓ THỂ ĐƯỢC 8 ĐIỂM
Với môn toán, nhiều GV cho rằng đề giữ được tính ổn định ở cấu trúc, tỷ lệ và cách phân bổ các câu hỏi khó, dễ.
Ông Nguyễn Văn Xuân, GV toán Trường THPT Lê Lợi - Hà Đông (Hà Nội), chỉ ra rằng các câu hỏi dễ (mức độ nhận biết, thông hiểu) của đề hầu hết nằm ở kiến thức lớp 12, gồm hàm số, tích phân, số phức và phương pháp tọa độ trong không gian, khoảng 40 câu hỏi ở mức độ này được sắp xếp trong phần đầu của đề thi. Theo ông Xuân, HS nắm vững kiến thức cơ bản là đã có thể đạt 7 - 8 điểm, thậm chí trên 8 điểm.
Theo tổ toán của Hệ thống giáo dục Hocmai thì đề minh họa xuất hiện dạng câu hỏi mới, cụ thể ở câu 49, liên quan đến min - max (nhỏ nhất - lớn nhất) và quỹ tích điểm thỏa mãn điều kiện cho trước. Đây là câu hỏi mang tính phân loại cao, nên để giải quyết, HS cần kết hợp nhiều nội dung của kiến thức hình học Oxyz như góc trong không gian, cách tính khoảng cách.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Văn Toàn, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), nhận xét đề tham khảo có sự phân hóa khá rõ giữa HS trung bình với khá giỏi vì số câu hỏi vận dụng thấp được nâng lên, số câu hỏi vận dụng khó giảm đi. Chính vì vậy, HS phải học kỹ tất cả công thức và những kiến thức cơ bản trong chương trình lớp 12.
Còn thầy Lê Minh Huy, GV Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), chỉ ra rằng đề tham khảo có 5 câu hỏi vận dụng cao, có tính phân hóa cao, phù hợp để xét tuyển ĐH, CĐ. Tuy nhiên về độ khó thì không khó hơn so với đề thi tốt nghiệp năm trước.
ĐỀ MÔN LỊCH SỬ KHÔNG ĐỘT PHÁ
Theo thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), ở môn lịch sử, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11.
Thầy Đăng Du nhận xét: "Hình thức câu hỏi khá đơn điệu khi sử dụng việc tìm ra các đánh giá về một sự kiện đúng nhất làm chủ đạo. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh dạng bài liên chuyên đề, liên hệ kiến thức lịch sử thế giới và VN hoặc nhận xét, tổng kết, so sánh các sự kiện lịch sử thông qua đánh giá nhận định".
Đề tham khảo an toàn và không có bất cứ sự đột phá nào về nội dung và hình thức, phù hợp với việc đánh giá năng lực HS cho kỳ thi THPT, thạc sĩ Đăng Du đánh giá.
Trong khi đó, nhận xét về đề môn giáo dục công dân, GV Võ Thị Hậu, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), cho rằng phần câu hỏi tình huống có mức độ phức tạp hơn năm trước và khai thác các tình huống đã xảy ra trong thực tế cuộc sống, đòi hỏi HS vận dụng kiến thức đã học để phân tích, đánh giá và đưa ra lựa chọn phù hợp. Qua đó giáo dục ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật cho HS.
Thi tốt nghiệp THPT từ ngày 27 - 30.6
Bộ GD-ĐT chốt lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 từ ngày 27 - 30.6, trong đó ngày 27.6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 28 - 29.6 thí sinh làm bài thi các môn: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, tổ hợp khoa học xã hội hoặc tổ hợp khoa học tự nhiên. Ngày 30.6 là thời gian dự phòng cho kỳ thi.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT Bộ GD-ĐT ban hành, thí sinh sẽ phải làm đủ 4 bài thi. Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Cô Châu Hồng Phúc, cựu GV THPT tại TP.HCM, nhận định thi sớm hơn gần 2 tuần cũng có thể có lợi, hoặc bất cập với HS - tùy vào đối tượng HS, năng lực của các em ra sao. Tuy nhiên, theo cô Phúc, ngày 1.3, Bộ GD-ĐT đã chốt lịch thi, như vậy tới ngày thi là 27.6 thì HS còn gần 4 tháng để ôn luyện. Việc cần làm lúc này là phụ huynh, GV cùng các HS phải sắp xếp một lộ trình phù hợp, lên kế hoạch thời gian ôn tập, luyện đề hiệu quả.
Tuệ Nguyễn - Thúy Hằng - Ngọc Long
Bình luận (0)