Đa phần thí sinh đều "trúng tủ" nên đánh giá đề ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khá dễ. Nhưng thủ khoa các năm thì đánh giá như thế nào? |
HOA NỮ |
Thí sinh sẽ gặt hái nhiều bài học và thành công với đề thi
Từng là thủ khoa toàn quốc khối D14 - thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2020, Võ Lập Phúc nhận xét đề thi môn ngữ văn năm nay phù hợp với mặt bằng năng lực chung, có những hướng tiếp cận sâu sắc về nhận thức và vai trò của giới trẻ trong thời đại mới. Điều này thể hiện qua nội dung phần thi đọc - hiểu và câu nghị luận xã hội.
"Ý niệm đặc trưng của đề thi môn ngữ văn năm nay hướng tới những khía cạnh cụ thể của thế hệ trẻ, dung chứa những giá trị giáo dục thiết thực để lần nữa tái khẳng định quan điểm: Lẽ sống của thanh niên là khát vọng cống hiến”, Phúc đánh giá.
Thi tốt nghiệp THPT: Đề Ngữ Văn thế nào mà thí sinh hớn hở khoe 'trúng tủ'? |
Với chủ đề chủ đạo là trách nhiệm của thế hệ trẻ, nam sinh viên cho rằng đề thi năm nay mong muốn thí sinh tiếp cận hiện thực cuộc sống với đầy đủ ý thức đối với bản thân và cộng đồng. "Chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đất nước ghi nhận những gương mặt trẻ điển hình đã làm rạng danh đất nước, quê hương trên trường quốc tế”, chàng thủ khoa chia sẻ.
Phúc phân tích: “Chính chủ đề của bài văn đã gợi cho chúng ta về hình ảnh của những anh chị “Chiến binh áo vàng” từ đội tuyển bóng đá Việt Nam mang ý chí thép và tinh thần thượng võ để góp sức quảng bá hình ảnh nước nhà; gợi cho ta về hình ảnh của nàng hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên mang giá trị cao đẹp của hình ảnh và trí tuệ phụ nữ Việt trên vương miện Hoa hậu Hòa bình quốc tế".
"Bên cạnh đó, có vô số những dấu ấn khác của giới trẻ chúng ta đã hiến dâng và phụng sự đất nước, tiếp tục nối dài trang sử tự hào của các thế hệ cha anh ngày trước. Trách nhiệm của tuổi trẻ ngày nay gắn với vai trò của tiên phong và kiến tạo, rèn luyện mình trở thành thế hệ "thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên" như lời di huấn của Người”, Phúc nói thêm.
Thí sinh trao đổi về đề thi môn ngữ văn sau buổi thi đầu tiên |
HOA NỮ |
Phần nghị luận văn học, theo chàng thủ khoa, có hướng tiếp cận phù hợp, giữ cấu trúc ổn định như vài năm gần đây. Phúc chia sẻ: “Mình đặc biệt rất thích vế mở rộng với yêu cầu làm rõ mối tương quan giữa nghệ thuật và cuộc sống. Điều này có một ý nghĩa hết sức quan trọng".
Theo Phúc, nếu có hướng tiếp cận sáng tạo thì thí sinh có thể lấy đây làm điểm tựa để nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật và văn hóa thường thức trong việc bồi đắp chiều sâu của đời sống hiện thực. "Đồng thời, học sinh có thể làm rõ những sứ mệnh cao đẹp của nghệ thuật như những nội dung được đúc kết từ diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa vừa qua: Văn nghệ sĩ phải sáng tác thế nào để giáo dục, bồi đắp tâm hồn con người chứ không phải chỉ chạy theo giải trí, thị trường”, Phúc cặn kẽ.
Chàng thủ khoa tin rằng các bạn sĩ tử sẽ gặt hái được nhiều bài học cùng với thành công từ đề thi này.
Điểm 9 trở lên sẽ không dễ
Phan Thị Hương, thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2021, nhận định: “Mình thấy đề ngữ văn năm nay hay và phù hợp với năng lực chung của thí sinh”.
Cặn kẽ hơn, Hương cho biết, câu 1 và 2 không có sự phân hóa cao, tập trung nói về thế hệ trẻ. Nội dung này không quá xa lạ nhưng lại có ý nghĩa thiết thực với bối cảnh đất nước hiện tại và cũng gần gũi với các bạn.
Thí sinh đã hoàn thành xong môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 |
HOA NỮ |
Trong khi đó, Hương đánh giá phần nghị luận văn học có sự phân hoá cao. Theo Hương, nhiều thí sinh "trúng tủ" tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và đây cũng là phần cảm nhận về nghệ thuật nên học sinh được sáng tạo về đáp án.
"Dù vậy, đề bài lấy đoạn đầu tác phẩm (trong đó người phụ nữ hàng chài chưa xuất hiện) nên đối với học sinh không chuyên văn thì việc đánh giá mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống có thể rất khó làm, dễ bị mất điểm”, Hương lưu ý. Nữ sinh viên này cho rằng thí sinh năm nay đạt điểm 8 và 8,5 là không khó nhưng điểm 9 trở lên thì không phải dễ.
Bình luận (0)