Thầy giáo Bến Tre gây 'bão mạng' bằng đoạn clip kiểm tra bài cũ 'siêu cute'

17/04/2022 10:37 GMT+7

Mạng xã hội đang lan truyền một đoạn clip dài 1 phút 55 giây ghi lại hình ảnh kiểm tra bài cũ đầu giờ môn ngữ văn của một giáo viên tỉnh Bến Tre.

Đoạn clip kiểm tra bài đầu giờ môn ngữ văn gây “bão mạng” vì được nhiều người cho rằng cách kiểm tra bài của thầy vừa hài hước lại vừa dễ thương, tạo hứng thú cho học sinh.

Câu hỏi ôn tập đầu giờ của thầy Minh trong đoạn clip

Chụp màn hình

Kiểm tra bài cũ bằng cách… mới

Ngày 15.4 một tài khoản tên Lêminh24 trên mạng xã hội Tik Tok lan truyền một đoạn clip 1 phút 55 giây với tựa đề “Thầy khổ quá mà…”. Nội dung đoạn clip ghi lại hình ảnh thầy giáo đứng trước cửa lớp cầm cây thước đặt câu hỏi kiểm tra ôn tập nội dung bài cũ. Các học sinh xếp hàng trả lời ở ngoài lớp, ai trả lời đúng nội dung bài học thì được thầy cho vào lớp. Những câu hỏi ôn tập của thầy đặt ra với nội dung như: “Hình ảnh lá ngón trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ xuất hiện mấy lần? Tràng làm nghề gì? Tràng đãi thị ăn mấy bát bánh đúc?...”.

Đoạn clip “Thầy khổ quá mà..” được hơn 1, 3 triệu lượt yêu thích

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên đoạn clip trên được quay lại bởi hai học sinh lớp 12A6, Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bến Tre gửi cho thầy giáo của mình để đăng lên Tik Tok làm kỷ niệm. Hình ảnh thầy giáo cầm cây thước đứng trước cửa lớp trong đoạn clip trên là thầy Lê Tấn Minh (quê Tiền Giang) chủ nhiệm lớp 12A6 và là giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bến Tre. Thầy Minh cho biết cảnh trong đoạn clip trên là một trong những hình thức thầy dùng để kiểm tra bài cũ đầu giờ và được học sinh quay lại.

Thầy Minh mong muốn tạo sự hứng thú cho học sinh trong giờ học môn ngữ văn nên thầy luôn sáng tạo đổi mới cách dạy cho phù hợp, và "bắt trend" sao cho kịp với học sinh để nắm bắt tâm lý các em. Cách trả bài đầu giờ này cũng để giúp học sinh thư giãn và dễ dàng nhớ lại những kiến thức đã học, ngoài ra còn tạo không khí sinh động cho lớp học không nhàm chán.

Thầy Minh và các giáo viên tổ bộ môn ngữ văn Trường THPT Trần Văn Ơn, tỉnh Bến Tre

NVCC

Thầy Minh chia sẻ: “Tôi dạy môn ngữ văn tại ngôi trường này được 19 năm, phương pháp dạy cũng thay đổi theo bài học và đối tượng học sinh. Tôi muốn các học sinh của mình có được hứng thú trong từng tiết học và điều quan trọng là không gây áp lực cho các em, tạo cho học sinh tiếp thu bài học dễ dàng, thật sự yêu thích khi học môn ngữ văn”.

Hiện tại thầy Minh cũng bất ngờ vì đoạn clip được học sinh quay lại đã đạt 1,3 triệu lượt thích trên Tik Tok và hơn 14.000 lượt bình luận. Thầy Minh nói với phóng viên Thanh Niên: “Tôi bất ngờ và vui bởi cách dạy học này được mọi người biết đến, tôi mong cách dạy học này sẽ giúp cho nhiều nhà giáo khác có thêm tư liệu để sáng tạo hơn giúp học sinh hứng thú tiếp thu kiến thức. Clip này do hai học sinh cùng lớp quay lại gửi tôi, ngoài ra cá nhân tôi cũng có sở thích quay lại những khoảnh khắc dễ thương tuổi học trò của các học sinh để đăng Tik Tok, sau này khi về hưu tôi có kỷ niệm để nhìn lại hành trình đưa đò của mình trong những năm đi dạy học”.

Thích thú khi học môn văn

Đó là lời bộc bạch của Nguyễn Thị Huỳnh Nhi, học sinh lớp 12A6 Trường THPT Trần Văn Ơn, đồng thời là người quay lại đoạn clip cách kiểm tra bài của thầy Minh.

Thầy Lê Tấn Minh (áo tím) và các học sinh

NVCC

Nhi cho biết lý do quay lại đoạn clip trên vì em muốn lưu lại những kỷ niệm cuối cấp với lớp và muốn chia sẻ cách trả bài không áp lực mà còn thú vị của thầy chủ nhiệm cho nhiều người biết. Nhi kể thêm, ngoài cách kiểm tra bài cũ này thì thầy còn kiểm tra bằng cách chia lớp theo 4 nhóm trả lời một câu hỏi thầy đặt ra để cho điểm. Nếu nhóm nào thấp nhất thì sẽ bị thầy phạt đọc thơ ở hành lang trước lớp hoặc nếu không trả lời được thì uống 1 ly nhỏ nước lọc.

“Thường thì lớp em có 2 tiết đầu môn ngữ văn nên thầy hay khởi động bằng những câu hỏi để mấy bạn ôn lại kiến thức một cách vui vẻ, để không buồn ngủ. Điều này khiến em và nhiều bạn khác trong lớp cảm thấy thích thú khi học môn văn”, Nhi bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.