Thầy giáo đam mê sáng tạo đồ dùng cho học sinh khuyết tật

16/11/2015 08:48 GMT+7

(TNO) Nhiều đồ dùng học tập, dụng cụ hỗ trợ cho những học trò khiếm thị, khuyết tật đã ra đời từ sự sáng tạo của một giáo viên dạy toán: thầy Nguyễn Duy Quy, công tác tại Trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng).

(TNO) Nhiều đồ dùng học tập, dụng cụ hỗ trợ cho những học trò khiếm thị, khuyết tật đã ra đời từ sự sáng tạo của một giáo viên dạy toán: thầy Nguyễn Duy Quy, công tác tại Trường chuyên biệt Tương Lai (Đà Nẵng).

Thầy giáo Nguyễn Duy Quy và gậy đi đường cho người khiếm thị - Ảnh: Diệu HiềnThầy giáo Nguyễn Duy Quy và gậy đi đường cho người khiếm thị - Ảnh: Diệu Hiền
Mặc dù xuất phát điểm của thầy là một giáo viên dạy toán, nhưng thầy Quy luôn say mê với những sáng tạo để mang đến cho những học trò khiếm thị, khuyết tật của mình những thuận lợi trong học tập, sinh hoạt...
Rất nhiều đồ dùng học tập, dụng cụ hỗ trợ ra đời, có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với những học trò kém may mắn này.
Từ bảng từ học toán đến gậy đi đường
Vốn là giáo viên dạy toán được đào tạo giảng dạy cho học sinh bình thường, nên khi được phân công về Trường Phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), thầy Quy vô cùng lo lắng.
“Tôi đã không biết bắt đầu như thế nào, nhưng rồi dần dà, tình yêu dành cho học trò đã làm cho tôi trở nên cứng cáp. Tôi nghĩ mình phải làm gì đó thật thiết thực cho những học trò bất hạnh này, ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em”, thầy Quy nhớ lại.
Nghĩ là làm, thầy bắt đầu quan sát trong những tiết học của mình, hầu hết những em khiếm thị đều không thể hình dung được như thế nào là các loại hình trong môn hình học.
Để học trò tiện việc học, thầy đã suy nghĩ ngày đêm và cuối cùng nghĩ ra cách vẽ hình trên các bìa cứng bằng lưới hoặc bằng bảng braille.
Nhưng, thấy những dụng cụ này không thể tái sử dụng, thầy đã dùng những vật liệu bỏ đi để chế ra những bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, những hình tam giác, tứ giác đa năng... Nhờ vậy, những học sinh khiếm thị đỡ chật vật đối với môn toán.
Không dừng lại ở đó, thầy Quy tiếp tục sáng tạo nên bảng từ cho học sinh khiếm thị dễ dàng học toán và nhận được giải nhất sáng tạo đồ dùng học tập toàn quốc năm 2004 với chiếc bảng từ dạy học môn toán cho học sinh khiếm thị.
Sau đó, năm 2008, thầy Quy tiếp tục nhận được giải nhì sáng tạo đồ dùng học tập toàn quốc năm 2008 với dụng cụ vẽ hình và tập hình vẽ của môn toán lớp 9. Ba bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp là kết quả đáng kể mà thầy Quy đã đạt được.
Mới đây nhất, trước khi rời Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu để sang làm công tác quản lý ở một ngôi trường mới, thầy Quy vẫn kịp chế tạo nên cây gậy dẫn đường cho người khiếm thị. Cây gậy gắn mạch điện điều khiến với một hệ thống còi phát ra âm thanh, kèm với đèn LED. Với chức năng có thể hú còi, phát sáng thông báo cho người đi đường biết sắp có người khiếm thị qua đường, thiết bị sẽ giúp tránh được rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, đầu gậy cũng gắn nam châm giúp tránh những vật kim loại có thể gây hại cho họ trên đường đi.
Và không chỉ học sinh khiếm thị trong trường sử dụng cây gậy thông minh của thầy Quy, những người khiếm thị ở bên ngoài và cả những giáo viên khiếm thị cũng sử dụng cây gậy dẫn đường này.
Với cây gậy thông minh này, thầy Quy đã nhận được giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.Đà Nẵng năm 2013 - 2014 và nhận bằng Lao động sáng tạo của Liên đoàn lao động Việt Nam trong năm học 2014 - 2015.
“Thầy giáo Quy là người mà những thầy giáo như chúng tôi rất quý mến vì tinh thần say mê sáng tạo và vì học sinh của thầy”, thầy Hoàng Văn Khương, giáo viên dạy Sử - Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ.
Tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo
Sang ngôi trường mới, với cương vị hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai dành cho học sinh khiếm thính, chậm phát triển, những tưởng thầy Quy chỉ tập trung cho công việc quản lý. Nhưng không, thầy vẫn say mê với công việc nghiên cứu, chế tạo nên những dụng cụ học tập để mang đến cho học sinh của mình những điều kiện học tập thuận lợi nhất.
“Không như các em khiếm thị, vẫn có thể học tập tốt, những em chậm phát triển rất khó để giúp đỡ các em tiếp thu kiến thức. Vì vậy, tôi luôn trăn trở làm thế nào để các em có thể tiếp cận những kiến thức này. Tôi cũng chế tạo nên những dụng cụ học tập cho các em, là những dụng cụ ghép hình. Hiện cũng đã sử dụng dạy học trong nhà trường và phát huy tác dụng”, thầy Quy nhẹ nhàng nói về những sáng tạo của mình.
Những đóng góp ấy của thầy Quy đã được không chỉ thầy, trò ghi nhận mà ngành GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng quyết định đề xuất thầy giáo Quy vào danh sách nhà giáo đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của ngành giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.