Năm 2013, anh Nguyễn Văn Thịnh (31 tuổi), hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 1/3, Trường tiểu học Nguyễn Văn Thảnh A, H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, đã tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học, Trường ĐH Đồng Tháp.
"Trước đó, mình không chú ý nhiều đến hội họa. Sau khi ra trường, vì chữ viết không được đẹp lắm nên có đi học một khóa rèn chữ ở trung tâm. Tại đây, mình gặp những thầy cô, anh chị vừa viết chữ khéo lại còn vẽ rất đẹp. Mình được truyền cảm hứng bởi họ nên quyết định tìm hiểu thêm trên YouTube về pha trộn màu sắc, tự học và tập tành vẽ ở nhà", anh Thịnh kể lại.
Từ sở thích và tài năng của mình, anh Thịnh thường vẽ tranh trên bảng, áo bà ba mỗi lần có tiết học, dịp hội diễn văn nghệ, tổng kết… ở trường. "Mình mong muốn học sinh tiếp cận với những nét vẽ, qua đó giúp các bạn thích thú hơn trong từng tiết học. Đôi khi học hành áp lực nên mình đưa tranh vẽ vào bài giảng để giúp các bạn yêu thích, tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn", thầy giáo này cho hay.
Gần 9 năm gắn bó, anh Thịnh đã trải nghiệm với nhiều chất liệu vẽ khác nhau. Thời gian đầu, anh vẽ trang trí trái cây, hoa quả… phục vụ dịp tết. Dần dần anh chuyển sang vẽ tranh phong cảnh quê hương, con người miền Tây… trên nón lá để nâng cao tay nghề, kiếm thêm thu nhập. Một chiếc nón lá mà anh vẽ được bán với giá dao động từ 100.000 - 150.000 đồng.
"Lúc đầu, tay mình hơi cứng, lại chưa nắm được kiến thức cơ bản nên còn vụng về, gặp nhiều khó khăn. Phải tốn một thời gian dài mới thuần thục những nét cơ bản. Để vẽ một bức tranh, mình lần lượt thực hiện các bước, như: lên ý tưởng, phác thảo, lót nền, chia bố cục, tả chi tiết…", anh Thịnh chia sẻ.
Anh Thịnh thích thú khi vẽ trên áo bà ba, nón lá...
NVCC
Tùy chất liệu, chi tiết trên từng tranh vẽ mà anh Thịnh mất thời gian hoàn thành khác nhau. Trung bình một ngày, anh có thể vẽ trên 5 hoặc 6 chiếc nón lá. "Mình tập trung chủ yếu vào công việc giảng dạy. Chỉ khi có thời gian rảnh rỗi hay học sinh nghỉ hè thì mình mới vẽ nhiều", anh Thịnh cho biết.
Còn về những bức tranh trên bảng, anh Thịnh thực hiện trong thời gian lâu hơn, từ 4 - 6 tiếng đồng hồ/bức tranh. "Mỗi lần vẽ là một chủ đề khác nhau để học sinh được ngắm nhìn và hiểu rõ hơn về các chi tiết trên tranh đó", anh Thịnh nói.
Với thầy giáo này, vẽ tranh trên bảng là thử thách khó khăn nhất. "Ở trên giấy hay nón lá… thì mình vẽ bằng màu acrylic. Chỉ cần 6 màu cơ bản thôi là có thể sáng tạo ra nhiều màu sắc độc đáo, thú vị khác. Còn riêng phấn, độ bám của nó không đều, khác nhiều so với màu acrylic. Bên cạnh đó, màu của phấn cũng có sự hạn chế, nếu trong quá trình pha trộn không kỹ, sẽ không ra được màu sắc mong muốn", anh Thịnh nói.
Anh Thịnh cho biết trong thời gian tới sẽ theo học một lớp hội họa để trau dồi kỹ năng của mình. Những năm vừa qua, anh cũng đã liên tiếp đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, như: giải nhất hội thi "Giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp tỉnh" năm học 2022-2023; giải ba hội thi "Xây dựng video bài giảng trực tuyến cấp tiểu học", môn tự nhiên và xã hội, năm học 2021-2022…
Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, giáo viên bộ môn mỹ thuật, Trường tiểu học Nguyễn Văn Thảnh A (H.Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ: "Tranh vẽ do Thịnh thực hiện rất đẹp, mình khá ngưỡng mộ tài năng này của bạn. Ở trường, bạn rất hòa đồng, tích cực, tận tâm, nhiệt tình. Học sinh của Thịnh rất ngoan, lớp của bạn luôn đạt thành tích cao ở mỗi năm học".
Bình luận (0)