Thầy giáo trồng hoa trên núi Cấm

29/11/2014 12:34 GMT+7

Việc trồng hoa thành công trên đỉnh núi Cấm đã giúp anh Phạm Huy Cường (giáo viên Trường tiểu học B An Hảo, H.Tịnh Biên, An Giang) có thêm thu nhập, yên tâm bám trường, bám lớp và mở ra hướng làm ăn mới tại điểm du lịch nổi tiếng này.

Anh Phạm Huy Cường thành công với mô hình trồng hoa trên núi Cấm - Ảnh Anh Phan

Cơ duyên với hoa

Tết Giáp Ngọ 2014, anh Cường mang đến Hội chợ hoa xuân Tri Tôn 6 loại hoa và bán được 3 loại, thu lời trên 9 triệu đồng. “Có lời là coi như thành công. Nghề mới, tay nghề mới, được vậy là tốt rồi. Nhiều người lão luyện hơn muốn cũng không được như ý. Tôi sẽ rút kinh nghiệm để năm sau làm tốt hơn”, anh Cường nói. Nghe anh Cường kể chuyện làm ăn, chắc ai cũng tưởng anh  đùa. Không một cục đất chọi chim, anh lại được chọn tham gia dự án “Trồng hoa trên núi Cấm” của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ An Giang. Rốt cuộc, 500 m2 đất thử nghiệm của anh đã trở thành mô hình tiêu biểu và thành công nhất trên núi Cấm. Anh Cường khoe vốn liếng được sự tài trợ và học tập kinh nghiệm ngoài Đà Lạt, có cơ hội làm ăn mình dại gì mà không siêng năng.

Với bản tính cần cù lao động, hồi nhận nhiệm sở tại Trường tiểu học B An Hảo (núi Cấm), thầy Cường bày ra việc trồng thuốc nam, diện tích chỉ vài trăm mét vuông do chủ đất ở gần trường cho mượn. Anh Cường nói vui: “Ngoài giờ lên lớp, chỉ ở không chẳng biết làm gì nên tôi học cách làm của người dân xứ núi để cải thiện cuộc sống cũng như an ủi lúc xa nhà”.

Suốt 13 năm bám trường, bám lớp, mô hình này giúp anh Cường có thêm nguồn thu đáng kể. Rồi anh cưới vợ, sinh con và cất nhà ở tạm tại khu vực đồi Thiên Tuế. “Có lẽ thấy tôi trồng thuốc nam nên nhiều người động viên, khuyến khích tham gia dự án trồng hoa”, Cường kể. Đây cũng “đầu dây mối nhợ” để anh tìm đến với nghề mới, một nghề chẳng dính dáng gì với nghề giáo, nó lại càng xa lạ với cư dân núi Cấm. Tranh thủ những dịp được đi tham quan, học hỏi, anh Cường giao lưu, gặp gỡ nhiều chủ vườn và doanh nghiệp có uy tín ở Đà Lạt để học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm trồng hoa. Nhờ vậy, khi dự án kết thúc, anh cũng lấy được nghề, thành thạo phương pháp canh tác cơ bản.

Mở rộng mô hình

“Chợ trung tâm Tri Tôn coi vậy mà khó buôn bán, người tiêu dùng lại ưa chuộng hoa cao cấp, lạ và đẹp”, anh chia sẻ. Rút kinh nghiệm năm ngoái, anh Cường chọn hoa cúc đồng tiền (vàng, cam, hồng) và hoa lily (hồng) tượng trưng cho sự giàu sang, vui vẻ, tỏ lòng biết ơn… rất hợp với tết để tham gia Hội chợ hoa xuân Tri Tôn 2015. Ngoài 2 loài chính, anh cũng đã chuẩn bị sẵn 3.000 m2 đất trồng nhiều loại hoa thông thường, nhắm vào thị trường ở Tri Tôn và Chi Lăng dành cho người tiêu dùng bình dân, trong đó có cúc vàng.

Các giống hoa anh Cường trồng trên núi Cấm có nguồn gốc từ Đà Lạt, gặp khí hậu thích hợp, chăm sóc đúng cách, hoa phát triển tốt và trổ bông đạt yêu cầu. Do thị trường tập trung chủ yếu là dịp tết sắp tới nên cúc đồng tiền và lily anh Cường sẽ trực tiếp bán, còn các loài hoa thông thường thì anh vô chậu ký gởi. “Với cách làm này không sợ ế hàng hay dội chợ, tình huống xấu nhất vẫn còn giống… tái tạo tiếp tục”, anh Cường nói.

Bên cạnh việc trồng hoa, anh Cường còn đang nuôi dưỡng hàng trăm chậu lan Hồ Điệp và Cattleya đủ màu sắc để đưa trở ngược xuống đồng bằng tiêu thụ. Nguồn lợi này không thua trồng các loại hoa khác, diện tích cũng không cần lớn lắm. “Nhờ tạo dựng được uy tín với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, giống các loài hoa đều lấy trực tiếp ngoài đó, ngay cả lan cũng tương tự nên đảm bảo giống sạch bệnh, trồng có kết quả tốt, khi hạch toán chi phí sản xuất cũng giảm xuống đáng kể. Với đà này, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm một số loài hoa Đà Lạt mới để phục vụ người tiêu dùng và thị trường nhất là dịp lễ, tết”, anh Cường nói.

Anh Phan

>> Chợ trên núi Cấm
>> Mùa su núi Cấm
>> Mùa măng núi Cấm
>> Người xây tượng Phật trên núi Cấm
>> Khám phá núi Cấm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.