Thầy Kim 'khát' tiền vệ giỏi: Vàng ở đâu, sao khó đào đến vậy?

14/10/2024 09:47 GMT+7

Vị trí tiền vệ trung tâm ở đội tuyển Việt Nam đang mang tới cho HLV Kim Sang-sik cơn đau đầu.

Cái khó của ông Kim Sang-sik

Cách dùng người của HLV Kim Sang-sik trong những trận giao hữu vừa qua đang phản chiếu vấn đề của đội tuyển Việt Nam. Vị trí nào càng xuất hiện nhiều nhân tố mới để thử nghiệm, càng có khả năng ông Kim đang khó xử, chưa tìm được cầu thủ ưng ý.

Nếu vậy, không nơi đâu khiến HLV Kim Sang-sik bối rối như hàng tiền vệ, đặc biệt ở vị trí tiền vệ trung tâm - vốn là trái tim của mọi đội bóng.

Thầy Kim 'khát' tiền vệ giỏi: Vàng ở đâu, sao khó đào đến vậy?- Ảnh 1.

Lê Phạm Thành Long (áo đỏ) được HLV Kim Sang-sik thử nghiệm

ẢNH: MINH TÚ

Ở đợt tập trung tháng 10, ông Kim đã gọi tới 7 cầu thủ có thể đá tiền vệ trung tâm, trong đó có cả những gương mặt kỳ cựu như Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, có phương án thử nghiệm như Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Văn Trường, Lê Phạm Thành Long, Châu Ngọc Quang. Tương tự vào tháng 9 vừa qua ở các trận gặp Nga và Thái Lan, nhà cầm quân người Hàn Quốc gọi 6 tiền vệ trung tâm.

Khác với những vị trí khác vốn lên tuyển rồi... đi về, các tiền vệ trung tâm được HLV Kim Sang-sik gọi thử nghiệm triệt để. Đơn cử hồi tháng 9, bộ đôi Văn Trường và Hai Long bất ngờ được trao suất đá chính trước Nga và Thái Lan. Đến trận giao hữu gặp Nam Định, ban huấn luyện tin dùng Hùng Dũng, Thái Sơn, thậm chí kéo Văn Quyết từ vai trò tiền vệ trung tâm xuống lùi sâu để hỗ trợ "chia bài".

Còn trong trận gặp Ấn Độ, Ngọc Quang, Thành Long được thử sức, sau đó thêm Thái Sơn, Quang Hải vào sân.

Đã có những cầu thủ để lại dấu ấn. Thái Sơn chơi năng nổ và ghi 1 bàn vào lưới Nam Định. Được HLV Philippe Troussier đôn lên tuyển hồi tháng 6.2023, tiền vệ của CLB Thanh Hóa đã hòa nhập nhanh, cho thấy nguồn năng lượng dồi dào và lối chơi giàu sức chiến đấu, hỗ trợ càn quét hiệu quả ở tuyến giữa.

Song, điểm yếu của Thái Sơn là kinh nghiệm. Anh cũng không thuộc mẫu cầm trịch trận đấu, mà thiên về "dọn dẹp" phía sau, hỗ trợ thu hồi và phát triển bóng.

Tương tự, cả Ngọc Quang, Thành Long hay Hai Long dù ra sân thường xuyên ở đội bóng chủ quản, nhưng thuộc mẫu tiền vệ "cần cù bù thông minh", hơn là sở hữu óc sáng tạo và nhãn quan chiến thuật vượt trội để bổ sung sự tươi mới cho lối chơi.

Thầy Kim 'khát' tiền vệ giỏi: Vàng ở đâu, sao khó đào đến vậy?- Ảnh 2.

Hai Long (số 4) được trao cơ hội nhưng chưa thể chứng tỏ

ẢNH: MINH TÚ

Hậu quả của sự nghèo nàn nơi tuyến giữa, là đội tuyển Việt Nam chỉ có thể ghi 2 bàn trong 2 trận gần nhất nhờ những miếng đánh chớp nhoáng. Nếu bàn thắng của Tiến Linh vào lưới Thái Lan xuất phát từ pha phát động tấn công nhanh của Quế Ngọc Hải từ hàng thủ, tình huống Bùi Vĩ Hào sút tung lưới Ấn Độ xuất phát từ pha bóng lập bập trong vòng cấm.

Dấu ấn tuyến giữa của đội tuyển Việt Nam trong những trận qua là rất mờ nhạt. Các tiền vệ hiếm khi in dấu giày vào bàn thắng, không thể cầm trịch trận đấu hay kiểm soát nhịp chơi hiệu quả.

Ở trận gặp Ấn Độ, hành lang biên mới là nơi Việt Nam tạo cơ hội. Còn trong các trận gặp Thái Lan hay Iraq, tuyến giữa đội bóng của HLV Kim Sang-sik bị áp đảo hoàn toàn, phải chuyển về chơi phòng ngự rình rập.

Thay đổi con người

Muốn thoát khỏi triết lý phòng ngự phản công, đội tuyển Việt Nam phải chơi chủ động hơn. Lối đá này đòi hỏi cầu thủ mạnh dạn cầm bóng, phối hợp đập nhả, có nhịp chơi phù hợp với tiết tấu trận đấu và chuyển động của đối thủ.

Nói vậy để thấy vai trò của người "cầm cương" nơi tuyến giữa rất quan trọng. Không có tiền vệ giỏi cầm nhịp, đồng nghĩa không có lối chơi chủ động, mà chỉ có thể đá rình rập chờ đối thủ mắc sai lầm.

Thầy Kim 'khát' tiền vệ giỏi: Vàng ở đâu, sao khó đào đến vậy?- Ảnh 3.

Hoàng Đức sẽ được trả về tuyến giữa?

ẢNH: MINH TÚ

Trong khi Thái Lan, Indonesia đều có những "đầu não" chất lượng ở tuyến giữa, đội tuyển Việt Nam vẫn đang loay hoay. HLV Kim Sang-sik đã gọi những tiền vệ giỏi nhất ở V-League để thử chân, nhưng đều chưa thành công.

Song, khó trách ông Kim. HLV Park Hang-seo từng phải chờ tới gần 1 năm mới tìm được Hùng Dũng để hoàn thiện đội hình vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Đến King's Cup 2019, ông Park mới tìm được mảnh ghép tuyến giữa còn lại là Tuấn Anh.

Khi cơn khát tiền vệ giỏi không được giải quyết bởi tân binh, có thể thầy Kim sẽ quay về với cựu binh như Hùng Dũng, Hoàng Đức, Quang Hải.

Nếu không tìm được người mới, thì giải pháp tốt nhất là khai phá cái mới từ người cũ, dù không đơn giản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.