Thay quá khứ chiến tranh bằng văn học

11/03/2012 03:31 GMT+7

Ngày 9 và 10.3, tại TP.Huế, hội thảo Diễn đàn văn học Việt - Mỹ nhìn lại và phát triển đã diễn ra.

Ngày 9 và 10.3, tại TP.Huế, hội thảo Diễn đàn văn học Việt - Mỹ nhìn lại và phát triển đã diễn ra.

 

Nhà văn hai nước trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: V.C

Tham dự hội thảo có các nhà văn Mỹ như: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Harry Heinemann, Martha Collins, Sam Hamill, Lady Borton… cùng nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến từ mọi miền đất nước.

Văn học là chiếc cầu nối

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhấn mạnh trong 15 năm (1975-1990) sau chiến tranh, những bên tham gia cuộc chiến đã ngồi lại với nhau để “thay quá khứ chiến tranh bằng giao lưu văn học” và Trung tâm William Joiner với nhiều nhà văn cựu chiến binh Mỹ chính là chiếc cầu nối bền bỉ suốt 20 năm qua, giới thiệu nhiều nhà văn VN và các tác phẩm văn học VN tới công chúng Mỹ.

Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động nhắc tới những nghĩa cử của các nhà văn Mỹ, qua việc nhà văn Harry Heinemann trong một lần đến VN đã bóc tấm huân chương của quân đội Mỹ đặt lên nấm mộ các chiến sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn. Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen lập cả một bàn thờ trong nhà mình với quốc kỳ VN, và nhà thơ Mỹ Bruce Weigl nhiều lần lặn lội sang VN để nhận một em bé mồ côi ở Ninh Bình làm con nuôi, hay như việc nhà văn Lady Borton đã rời nước Mỹ, tự học tiếng Việt sang làm việc lâu dài ở VN…

 

Thơ ca VN không chỉ dạy tôi về nỗi ngạc nhiên từ tốn của một sự thức nhận dần dà, mà có thể nói, thơ ca ấy cũng dạy cho trái tim biết làm một trái tim như thế nào… Chúng ta đã gặp gỡ nhau trên con đường dài lầm bụi của nhân sinh

Tiến sĩ - Nhà thơ FRED MARCHANT

“Chúng ta đã góp phần đem hai nền văn hóa đến với nhau trong mọi cuộc đối thoại tin cậy. Hình ảnh các nhà văn cựu chiến binh hai bên quây quần với nhau hôm nay là biểu tượng đầy thuyết phục của lòng khoan dung, ham muốn đem những trang văn làm lành vết thương, đem nụ cười thay thế thù hận”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói thêm.

Trong bản tham luận Thiên đàng của ngôn từ, nhà thơ Mỹ Bruce Weigl cho rằng: “Nếu không có những trải nghiệm ở VN, nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người bạn và nhà văn từ khắp nơi trên đất nước VN, chắc chắn tôi không được khai sáng theo nhiều cách đến thế. Đôi lúc tôi cảm thấy mình từng một lần sống cuộc đời của một người Việt. Tôi đã băng qua cánh đồng lúa xanh thẳm, giữa tiếng trẻ thơ cất lên từ sau con đê làng, với bài hát về tình yêu, về quả khế và chiếc giếng sâu đầy nước mát…”.

Trong diễn văn gửi đến các nhà văn VN và Mỹ, nhà thơ Kevin Bowen nhận định: “Mỗi ngày, một ngôn ngữ chết, một quyển sách biến mất. Mỗi ngày, một người lính hy sinh, một gia đình tan tác, tất cả chúng ta nhỏ lại và thế giới càng bị làm cho nhỏ hơn theo ý nghĩa tiêu cực. Những sự kiện này kết nối với nhau, và chúng ta chiến đấu mỗi ngày bằng việc chia sẻ công việc chung để chống lại những thế lực đằng sau những cái chết đó, những sự mất tích đó và sự co nhỏ quả đất của chúng ta”. Kevin Bowen cho rằng phải có một cuốn sách viết về chuyện các nhà văn VN sang Mỹ cách đây 20 năm như Lê Lựu một mình từ VN băng qua thế giới, để đến được thành phố Boston trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông, về chuyến đi của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải, Lê Minh Khuê, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Văn Lê, Nguyễn Duy, Tô Nhuận Vỹ, Trần Đăng Khoa, Lâm Thị Mỹ Dạ, Võ Quê, Đỗ Chu, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Tú Nam… về tất cả những con người, bằng sự kiên trì và lòng tốt của mình đã xây dựng nền tảng mối quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh.

Hướng đến tương lai

 

HỢP TÁC VĂN HỌC VIỆT - MỸ

Cũng tại hội thảo trên, các nhà văn Việt-Mỹ đã cùng nhau bàn thảo một chương trình khung cho sự hợp tác sắp tới. Hai bên nhất trí sự hợp tác cần đi vào chiều sâu, coi trọng nghiên cứu văn hóa và ảnh hưởng xã hội của các dự án. Theo đó, ưu tiên số một là dịch và xuất bản các tác phẩm ưu tú của cả hai nền văn học nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức, học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường. Hai bên cũng đề nghị cần phải huy động được các nguồn tài trợ và đặc biệt là các chuyên gia giỏi tiếng Anh và tiếng Việt, cần tổ chức cho các nhà dịch thuật hợp tác chặt chẽ với các nhà sáng tác để có những bản dịch tốt, tiếp tục hội thảo về các tác phẩm của nhau và lắng nghe hồi âm từ phía bạn đọc.

Nhà thơ - cựu chiến binh Mỹ Sam Himill nhắc lại một kỷ niệm đau đớn khi từng chứng kiến cảnh nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn để phản đối chiến tranh, sau đó ông đã làm bài thơ như một thông điệp lớn lao từ đạo Phật, về cõi đời đầy khổ đau bạo lực chiến tranh này. Với những cảm nhận như thế, Sam Himill cho rằng mình luôn phải phấn đấu cho sự nghiệp kiến tạo hòa bình và thi ca luôn là một người thầy lớn đối với ông.

Tiến sĩ - nhà thơ Fred Marchant nói về việc ông cùng vài nhà thơ dịch một số thơ rất nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Trãi: “Thơ ca VN không chỉ dạy tôi về nỗi ngạc nhiên từ tốn của một sự thức nhận dần dà, mà có thể nói, thơ ca ấy cũng dạy cho trái tim biết làm một trái tim như thế nào. Với Nguyễn Trãi và nhiều nhà thơ VN đáng trọng, tôi vui mừng nghe theo và cảm nhận niềm may mắn lớn rằng, chúng ta đã gặp gỡ nhau trên con đường dài lầm bụi của nhân sinh”.

Các nhà văn Việt - Mỹ cũng cho rằng, phải bằng mọi cố gắng từ hai phía để tiếp tục góp phần làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ với VN. Đánh giá cao những đóng góp của Trung tâm William Joiner (WJC), nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết các thành viên của trung tâm này đã vận động máy móc, thuốc men giúp Bệnh viện T.Ư Huế ngay sau năm 1975. Toàn bộ nhuận bút tuyển tập các tác phẩm của những nhà văn Mỹ và VN cũng đã được tặng cho bệnh viện này, giúp máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật và sách vở, học bổng cho học sinh, sinh viên.  

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.