Thầy Tây ăn Tết ta

23/01/2006 23:12 GMT+7

Hiện nay, hình ảnh người nước ngoài tại các công sở, trên đường phố Việt Nam đã trở nên quá quen thuộc và gần gũi. Bản thân họ qua những ngày sống tại đất nước đầy ánh nắng này cũng có nhiều niềm yêu mến và tình thân. Tuy nhiên, với những người đã từng đón Tết âm lịch tại Sài Gòn, đã từng hòa mình trong dòng người đón giao thừa ở phố hay gặp gỡ người quen để nói câu chúc mừng năm mới…, đó đều là những kỷ niệm dễ chịu "rất Việt Nam" mà họ không thể quên.

“Trẻ trung và có thể làm sôi động bất kỳ nơi đâu” chính là câu bạn bè thường nói về Bec (tên gọi thân mật của Rebecca Jane Love). Từ quê hương Australia, Bec đã đi khá nhiều nơi trên thế giới trước khi chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai của mình. Đón Giáng sinh đầu tiên tại Sài Gòn, Bec rất ngạc nhiên về không khí Giáng sinh tưng bừng trên tất cả các con phố.

"Hết sẩy ! Chúng tôi đã có một Giáng sinh rất vui tại đây. Tôi cùng một số đồng nghiệp tại Trường tiểu học dân lập quốc tế Việt - Úc đã cùng nhau đếm từng giây cho đến đúng 12 giờ đêm để cùng nhau hô to "Chúc mừng Giáng sinh!". Chúng tôi hát hò và khiêu vũ cho tới sáng. Sau đó, chúng tôi đã có một bữa trưa rất ngon tại khách sạn Caravelle gồm hải sản, thịt và những món tráng miệng rất tuyệt", Bec cho biết. Niềm vui với những người bạn mới đã làm vơi đi rất nhiều nỗi nhớ nhà trong cô, nơi mỗi dịp Giáng sinh về, gia đình cô cùng nhau đổ ra dòng sông Hawksberry trong lòng Sydney để lướt ván và cùng chúc nhau một Giáng sinh thật an lành. Đã từng đón một cái Tết thật dễ thương tại Hội An, gặp gỡ những người dân miền Trung hồn hậu và mến khách, Bec rất háo hức chuẩn bị cho những ngày Tết âm lịch thứ hai tại Việt Nam. Cô đã cùng một người bạn gái Việt Nam trang hoàng thật đẹp căn phòng của mình, "mọi thứ phải thật mới, tinh tươm để đón Tết và chắc chắn năm nay sẽ tuyệt hơn vì tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn", Bec vui vẻ cho biết. Bec hy vọng được ngắm pháo hoa trong đêm giao thừa tại Sài Gòn, giống như những ngày còn ở Sydney, cô vẫn thường cùng bạn bè ra cảng Sydney để ngắm pháo hoa rực rỡ xua giá lạnh những ngày cuối năm. "Năm nay tôi sẽ ở Sài Gòn làm chủ nhà để nói câu "Chúc năm mới an khang thịnh vượng" với những người bạn Việt Nam. Không gì tuyệt hơn khi bạn biết rằng mình đang sống rất dễ chịu tại một đất nước yên bình, với một công việc yêu thích, làm quen với những phong tục tập quán rất thú vị và lăng xăng trong nhà với đủ thức lỉnh kỉnh dễ thương của ngày Tết cổ truyền Việt Nam", Bec cười thật tươi.

Sống và làm việc hơn 10 năm tại Việt Nam, David Turcotte , hiện đang làm giáo viên tại Trung tâm Anh văn Hội Việt-Mỹ rành rẽ các tục lệ Việt Nam như một người Việt chính cống. "Những ngày Tết Việt Nam, tôi thường tránh là người xông đất đầu tiên của các gia đình trừ khi có lời đề nghị của các gia chủ, tránh mặc quần áo có màu trắng hoặc đen, tránh tức giận hay gây gổ vì sợ mang điều xui xẻo trong cả năm...", anh cười, bảo phải “nhập gia tùy tục”, có vậy mới tạo ra sự thoải mái trong cuộc sống của mình và làm vui lòng những người xung quanh. Món khoái khẩu trong dịp Tết của David là bánh chưng chiên ăn với thịt kho tàu hoặc dưa món, dĩ nhiên là phải nhắm với rượu đế. "Đó là một thứ men làm say lòng người một cách kỳ lạ. Với tôi, nó hơn hẳn rượu vang của người Pháp hay rượu sakê nổi tiếng của người Nhật. Chắc tại tôi nghiện cái vị đế Gò Công hợp với cảnh và tình nồng hậu của người Việt Nam", David lý giải. Thấm cái tình, hiểu cái cảnh, đó cũng là lý do khiến bài báo của anh viết về cái Tết Việt Nam đăng trên một tờ báo ở Canada - quê hương anh - cũng làm ấm lòng những Việt kiều xa xứ.

Khác với David, được "xông đất" trong ngày đầu năm là một cái thú của Ian Morton, người Anh, đang dạy tại Trung tâm Anh văn VUS. Suốt 13 năm sống tại Việt Nam, năm nào anh cũng được gia đình một người bạn tại Hà Nội đăng ký đến xông nhà để lấy hên. "Thông thường, tôi sẽ ở khách sạn vào ngày 30 Tết để sáng sớm ngày đầu năm mới, tôi sẽ là vị khách đầu tiên đến xông đất cho gia đình bạn tôi. Theo mẹ của người bạn này, tôi là một vị khách luôn đem lại may mắn cả năm cho cả gia đình đấy!", anh cười hóm hỉnh. Tuy nhiên, cái Tết ở Việt Nam những năm sau này càng hiện đại hơn, sung túc hơn, mọi người không phải dành dụm cả năm để sắm sửa trong dịp năm hết Tết đến như xưa nữa. "Cũng vì hiện đại hơn nên ngày nghỉ Tết ngắn lại, đến mùng 6 Tết là ai nấy đều đã đi làm, học sinh cũng đến trường, tôi bị "bỏ rơi" để tha hồ mà lang thang khắp phố phường Hà Nội, để cái vị bùi ngùi và háo hức của năm mới ngấm vào người, để chào một người chưa quen trên phố. Thật là một cái thú trên đời !". Món khoái khẩu trong ngày Tết của Ian là món heo sữa quay, bánh chưng chiên và rượu làng Vân. Thích thì rất thích, nhưng anh không uống được nhiều rượu nếp vì "chỉ 1 ly thôi cũng đủ làm khách say". "Đã từng đi hơn 21 nước trên khắp thế giới nhưng không có nơi nào ngoài Việt Nam khiến tôi phải ở lâu đến vậy. Một phần cũng vì những ngày Tết thật thảnh thơi và hữu tình tại quê hương thứ hai này!", anh cười trong cái nắng Sài Gòn bỗng trong vàng như mật của những ngày cuối năm.

Một năm mới nữa lại đến mang theo niềm vui bốn phương của Bec, David, Ian hay nhiều người bạn nước ngoài đến từ nhiều nước khác. Điều ngạc nhiên thú vị là ba người bạn trên đều làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Rồi đây, chắc rằng trong buổi học đầu tiên của năm mới, họ sẽ dạy cho các bạn trẻ Việt Nam những điều hay ở các nơi họ đã đi qua và thêm một điều không bao giờ thừa, họ sẽ nói về niềm yêu mến đất Việt - nơi "đất lành chim đậu".

Đào Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.