Thầy trò cùng lên ngôi

01/01/2013 03:00 GMT+7

Câu chuyện của chúng tôi với HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 2012.

Câu chuyện của chúng tôi với HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 2012.

Chủ đề chính về Phan Thị Hà Thanh - cô học trò bé nhỏ nhưng vô cùng giỏi giang của chị. Hà Thanh năm thứ 2 liên tiếp đứng vị trí dẫn đầu danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc với số phiếu tuyệt đối, còn bản thân Thúy cũng xếp thứ nhất danh sách HLV tiêu biểu.

Tiếp quản HLV tiền nhiệm khi Hà Thanh đã đạt vô số thành tích khá nổi bật nhưng vẫn chưa phải là VĐV có “số má” của thế giới, chị có bị áp lực ít nhiều bởi năm 2012, Hà Thanh phải chinh phục một loạt những giải đấu thể dục dụng cụ (TDDC) danh giá?

Thực ra, tôi không phải mới quen biết Hà Thanh vì dẫu không có công phát hiện tài năng của em nhưng năm 1998, tôi đã tham gia huấn luyện Thanh khi em còn tập ở Hải Phòng. Tháng 4.2011, tôi quay trở lại đội tuyển quốc gia và cùng Thanh trải qua một năm trời với rất nhiều biến động vui, buồn của sự nghiệp. Áp lực cũng có tí chút nhưng chỉ thoáng qua. Tôi thấy mình may mắn vì Thanh hội tụ đủ những phẩm chất cần có của một VĐV TDDC, và đặc biệt niềm đam mê mãnh liệt với nghề.

 
Hà Thanh năm thứ 2 dẫn đầu danh sách VĐV tiêu biểu toàn quốc - Ảnh: Ngô Nguyễn

Thanh thuộc lứa VĐV được tuyển chọn theo test của Viện Nghiên cứu khoa học TDTT, được đào tạo cực kỳ bài bản, nhưng nếu không có tình yêu gần như đến mức cực đoan, Thanh thật khó đeo đuổi môn nhảy ngựa lâu đến thế. Vì nhảy ngựa khó lắm, khó vô cùng, gần như khó nhất trong các nội dung của TDDC. Tôi nghĩ rằng số phận của Thanh là phải đi theo cái nghề mà tính rủi ro rất cao, từ huy chương đến thất bại chỉ trong gang tấc.

Tấm HCĐ giải vô địch thế giới cuối năm 2011 là tấm giấy thông hành đưa Hà Thanh đến với Olympic London 2012 - đấu trường mà em được kỳ vọng sẽ làm được một điều gì đó. Nhưng…

Cả tôi và Thanh đã mất ngủ nhiều đêm vì không thành công ở Olympic. Đã cố gắng có sự chuẩn bị tốt nhất, nhưng xảy ra vài sự cố ngoài ý muốn. Ngay gần thời điểm thi đấu, chuyến tập huấn cuối cùng tại Anh lại khá tệ vì điều kiện cơ sở vật chất khác xa với những gì mình hình dung về tính hoành tráng của Olympic. Hà Thanh đã rất khổ sở vì phải khắc phục đủ thứ và chấn thương đầu gối tái phát nên ảnh hưởng quá nhiều đến thành tích. Song, Hà Thanh đã có cú bứt phá ngoạn mục ở những giải lớn khác mà độ gai góc không thua kém Olympic.

Điều gì ở Hà Thanh khiến chị hài lòng nhất và bất an nhất?

Tập thể thao, mất hứng là hỏng ngay. Đừng nghĩ Thanh chưa từng mất hứng, chưa từng chán nản, chưa từng căng thẳng. Con gái mà, tâm lý cũng có những “diễn biến” phức tạp lắm. Và tất cả tâm trạng xấu đều đã đến nhưng không ở quá lâu. Xoa dịu Thanh bằng những lời nói dịu dàng cũng có, mà nghiêm khắc tột độ cũng có, để Thanh thích nghi được với hoàn cảnh, nếu chẳng may có chuyện không hay xảy ra. Ví dụ như hồi tập huấn ở Hàn Quốc, đường nhảy ngựa bị mềm mà lực Thanh lại như con trai nên tập khó lắm, “chị” ý cũng khóc mấy lần đấy. Kể lại vậy thôi, chứ về cơ bản, Thanh rắn rỏi, nghị lực và không hề mắc bệnh “ngôi sao”! Thích nhất cái tính này!

Hà Thanh cũng từng nói với chúng tôi, năm 2012 Thanh phải cố gắng bội phần vì sự đòi hỏi về động tác của Liên đoàn Thể dục thế giới ngày một cao, và nếu cứ hài lòng với những gì đã có thì đừng bao giờ mơ đến huy chương châu lục!

Đúng vậy! Nhảy ngựa có hai động tác chính là santo về phía trước, santo về phía sau, mỗi động tác chỉ kéo dài đúng 5 - 7 giây và nếu kỹ thuật không ổn định, tâm lý không vững thì không thể thực hiện liên hoàn một cách hoàn hảo được. Năm 2011, điểm xuất phát của Thanh chỉ đạt 5,9 vì chỉ nhảy với tư thế gập thân, thì năm 2012 nâng lên 6,3 bởi nhảy ở tư thế thẳng và tổng điểm cao nhất từ trước tới nay đạt ở ngưỡng gần tuyệt đối 14,925 (HCV Cúp thế giới). Để động tác cực phức tạp và cực khó này trở nên máu thịt với mình, mỗi ngày Thanh tập khoảng 6 - 7 tiếng. Hàng trăm lần không đủ, mà phải tính bằng con số hàng nghìn lần nhảy. Mồ hôi, nước mắt, máu… là những thứ đã đổ. Còn bản thân tôi, cảm ơn Hà Thanh vì những phút giây vinh quang mà em đã làm được ở giải vô địch châu Á, Cúp thế giới và giải Toyota quốc tế. Ba lần nghe quốc ca nơi xứ người, tâm trạng khó tả vô cùng, cảm động không sao tả xiết. Nước mắt ở đấy chứ ở đâu!

Thầy giỏi

 
Ảnh: Ngô Nguyễn

HLV Nguyễn Thị Thanh Thúy (ảnh) sinh năm 1970, tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao Nga năm 1993. Từng tham gia huấn luyện lứa VĐV tài năng của TDDC Hải Phòng, trong đó có Nguyễn Thị Nga - HCV SEA Games năm 1997 - HCV khu vực đầu tiên của VN.

Chồng chị cũng là một người rất quen thuộc trong giới bóng đá: HLV Đinh Thế Nam của CLB Xi măng Hải Phòng trước đây. Vợ chồng chị có hai con, con gái học lớp 10, con trai học lớp 3.

Người yêu Hà Thanh cũng là tuyển thủ quốc gia

Theo tiết lộ của chị Thúy, Hà Thanh yêu tuyển thủ TDDC Trần Vũ Hoàn. “Nhưng bọn em chưa nghĩ đến chuyện cưới xin đâu, vì năm nay em mới 21 tuổi!” - Thanh bảo thế vào chiều qua. Cả năm trời xa nhà, Thanh tranh thủ mấy ngày nghỉ về Hải Phòng thăm bố mẹ, em trai và tranh thủ... ngủ nướng. “Em cũng có Facebook nhưng chẳng có thời gian dành cho nó. Thi thoảng mới đi shopping cùng bạn bè. Năm 2013 còn nhiều chông gai lắm, nào giải thế giới, giải vô địch châu Á và có thể cả SEA Games 27 nếu nước chủ nhà Myanmar tổ chức môn TDDC. Mình đã có thành tích cao, lại hai lần liền đứng đầu bảng xếp hạng VĐV VN, nên phải nỗ lực để không bị tụt hậu. Em cũng thấy lo lo!”. Hỏi về suất biên chế và nhà do Sở Văn hóa - Thể dục - Thể thao Hải Phòng cấp, Thanh bảo, vì chưa nhận được quyết định chính thức nên chẳng dám bình luận gì mà cũng không dám đòi hỏi. “Thôi lúc này, em chỉ nghĩ được về với gia đình, được ăn nem rán mẹ làm, là thích nhất đời rồi!” - Thanh cười.

Bóng đá “mất tích”

Hôm qua, BTC cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu Việt Nam 2012 công bố kết quả từ các lá phiếu của nhà báo thể thao trên toàn quốc mà không có bất ngờ, đặc biệt khi môn bóng đá không hề có đại diện nào.

10 VĐV tiêu biểu: 1/ Phan Thị Hà Thanh (TDDC, 1.570 điểm), 2/ Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi, 1.020 điểm), 3/ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng, 914 điểm), 4/ Nguyễn Anh Khôi (cờ vua, 909 điểm), 5/ Nguyễn Hà Thanh (TDDC, 610 điểm), 6/ Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ, 480 điểm), 7/ Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh, 463 điểm), 8/ Nguyễn Tiến Minh (cầu lông, 418 điểm), 9/ Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm, 241 điểm), 10/ Dương Thị Việt Anh (điền kinh, 226 điểm).

5 HLV tiêu biểu: 1/ Nguyễn Thị Thanh Thúy (TDDC, 658 điểm), 2/ Nguyễn Thị Nhung (bắn súng, 482 điểm), 3/ Nguyễn Thanh Sơn (cờ vua, 336 điểm), 4/ Đặng Anh Tuấn (bơi, 284 điểm), 5/ Trần Anh Hiệp (điền kinh, 158 điểm).

5 VĐV thể thao người khuyết tật xuất sắc: 1/ Nguyễn Thị Hồng (cử tạ, 607 điểm), 2/ Võ Thanh Tùng (bơi, 516 điểm - ảnh), 3/ Cao Ngọc Hùng (bơi, 516 điểm), 4/ Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ, 246 điểm), 5/ Nguyễn Thị Hải (điền kinh, 219 điểm).


Ảnh: Ngô Nguyễn
 

3 HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc: 1/ Nguyễn Hồng Phúc (cử tạ, 397 điểm), 2/ Đặng Văn Phúc (điền kinh, 282 điểm), 3/ Đổng Quốc Cường (bơi, 201 điểm).

H.Q

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.