Thầy tu tre

26/01/2012 10:00 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Những người thân quen gọi là thầy Phúc, còn pháp danh của người tỳ kheo này là Thích Thế Tường.

Nơi vị tu sĩ này “đổ mồ hôi” trong sáu năm qua là khu vực Suối Đá, thuộc tiểu khu 64 rừng bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Hiện thầy Phúc mới tập hợp được khoảng hơn 40 loại tre trúc, như: bương, diễn, mai, vầu, giang sơn trà, trúc đen, trúc quân tử, lồ ô, nứa, lành anh, cơm lam, bạc mày, luồng, le mật, tre tàu, tre mò o…, trong đó, trúc đen và trúc đen lá sọc là 2 trong các loại quý hiếm (trúc đen, trúc đen lá sọc, trúc vuông, tre bông và tre hóa long…). Và đến rằm tháng chạp là có thêm tre bông.

Viện Khoa học lâm nghiệp VN cảnh báo những loại tre, trúc quý hiếm sẽ mất giống nếu không chú trọng công tác bảo tồn. Việc nhân giống theo cách thức cổ truyền thì dài ngày, còn cấy mô thì hiện Việt Nam thử nghiệm chưa thành công trong khi Thái Lan đã cấy mô tre thành công từ lâu.

Mỗi loại, đều được thầy ghi chú lý lịch riêng, có thẻ bài mang tên Việt và tên khoa học hẳn hoi. Ngoài những yêu cầu chuyên môn của việc sưu tập - bảo tồn, thầy tu tre cũng đã tập hợp được khá nhiều bài thơ về tre trúc, phần lớn là của các nhà sư thời Lý - Trần.

Chỗ ở của người tu sĩ này thì quá tuềnh toàng, chỉ là “mái lá đơn sơ”, không đủ che gió lạnh mùa đông vốn rất “ngọt” ở nơi núi - biển… Nhưng chỉ với sự giúp đỡ của một số ít người có chung niềm đồng cảm, thầm lặng ngày qua ngày, người tu sĩ trẻ này đánh vật với công việc lao động chân tay nặng nhọc. Và, khoảnh rừng đầy lau sậy và dây leo phủ kín trước đây đã có dáng nét của ước mơ hình thành một điểm sáng “cho đời thêm xanh”…

Một ngày tháng 11.2011, bên ly cà phê cóc vỉa hè ở TP.HCM, thầy tu tre báo tin vui: “Vậy là sau tết Nhâm Thìn, đến cuối tháng 12 âm lịch, sẽ có được 100 loại tre trúc, anh ạ”. Trong bảng danh mục của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, có tên gần 250 loài tre, trúc. Theo các nhà nghiên cứu, VN có trên dưới 300 loài, nằm rải rác ở nhiều địa phương. Nhiều loài đang có nguy cơ biến mất. Con số 100 loại trúc, tre sẽ được “quy về” trên cái diện tích hơn 1 ha bé nhỏ của thầy tu tre (mà một người hảo tâm dành cho thầy làm nơi cư ngụ) là kết quả sau nhiều chuyến đi khắp nơi trong cả nước.


Phút thư giãn của thầy Phúc trong vườn tre - Ảnh: Đức Vân

Viện Khoa học lâm nghiệp đã ủng hộ và giúp đỡ vị tu sĩ này nhiều việc cụ thể, mà “chính danh” nhất là đã đồng ý đứng tên trong Ban Bảo trợ dự án Vườn bảo tồn tre trúc Việt có tên gọi Sơn Trà tịnh viên, với cố vấn chuyên môn là tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nghĩa - Viện trưởng Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, giáo sư - tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, cố vấn công tác bảo tồn là nhà báo Đoàn Huy Giao và cố vấn nghệ thuật tạo vườn là nghệ nhân Hoàng Ngọc Đống.

Nghe chuyện, thấy hiện ra quang cảnh Huyền Không sơn thượng, phía tây Huế, nơi tu - học của tu sĩ Giới Đức - nhà thơ Triều Tâm Ảnh. Sau gần 20 năm công sức, chốn heo hút ngày nào đã là điểm cho nhiều người dừng chân, khi đến Huế. Nhưng khác với Huyền Không sơn thượng, Sơn Trà tịnh viên sẽ còn là điểm hẹn của những cuộc trò chuyện về phép dưỡng sinh - chữa bệnh, là chỗ tưởng niệm vị vua anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông… Cái nơi có thể thu về những lợi ích vô hình.


Hoa của loại tre Điếu Cày - Ảnh: Đức Vân

***

Ánh chiều cuối năm dần thẫm. Thoảng sau mây, chợt thoáng trăng tơ. Và, tịnh viên Sơn Trà dường như hiện ra đâu đó, trong khoảng không. Không dưng mà câu nói của nhà vật lý người Anh Sir James Jeans trở về trong trí: “Vũ trụ có thể được phác họa tốt nhất... tùy vào tâm thức thuần khiết”.

Cầu mong sao, thế giới được xây dựng trên ý tưởng này.

Nguyễn Đông Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.