Thấy tương lai lụa Việt ở làng lụa

Bà Irina Bokova khi đến thăm Làng lụa Hội An (Hoi An Silk village) hồi tháng 6 năm 2012 trên cương vị Tổng giám đốc UNESCO đánh giá cao cách thức mà Công ty CP tơ lụa Quảng Nam “đưa lụa trở lại với đời sống thường nhật”.

Giờ đây, mỗi ngày hàng nghìn du khách lại đến đây để nhận ra cội nguồn và tìm thấy tương lai lụa Việt…
Lan xa hình ảnh lụa Việt
Sau nhiều năm gầy dựng Làng lụa Hội An trên diện tích 21.000m2 kể từ năm 2005, điểm đến thú vị ở 28 Nguyễn Tất Thành ngoại ô phố cổ Hội An (Quảng Nam) này mỗi ngày đón trên dưới 2.000 lượt khách mỗi ngày. Ông Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP tơ lụa Quảng Nam, gọi đó là con số “đột biến và ổn định”, đã 2 năm nay.
Trong số du khách tìm đến Làng lụa Hội An, lượng khách từ xứ sở chuột túi Úc hay đảo quốc sư tử Singapore tăng rất mạnh. Hình ảnh Làng lụa Hội An lan xa theo bước chân và cảm tình của chính các phu nhân, phu quân tham dự Tuần lễ cấp cao APEC hồi năm ngoái. Làng lụa Hội An là điểm dừng chân cuối của các phu nhân, phu quân trong chuyến tham quan phố cổ Hội An. Nhiều người còn nhớ cảm xúc mà các vị khách VIP đã dành cho làng lụa, khi họ tận mắt chứng kiến công đoạn dệt lụa, ươm tơ, nuôi tằm… “Khi được đón các phu nhân, phu quân của lãnh đạo APEC trực tiếp đến tham quan, chúng tôi cảm thấy rất tuyệt vời. APEC là sự kiện tốt nhất để quảng bá tơ lụa VN ra với bạn bè các nước trên thế giới”, ông Lê Thái Vũ không giấu được cảm xúc.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 10.2015, hình ảnh lụa Việt cùng với tên tuổi Làng lụa Hội An đã được biết đến rộng rãi tại diễn đàn lụa và thời trang quốc tế mở giữa xứ lụa danh tiếng Hàng Châu (Trung Quốc). Khi đó, đại diện Làng lụa Hội An đã tự tin kể với những người yêu mến lụa về hành trình mang tên: “Chúng tôi dệt lụa và may đo thời trang cho cả thế giới”, như một mô hình bảo tồn làng nghề tơ lụa thành công nhất tại VN. Câu hỏi thú vị đã được đặt ra: Mọi người có ủng hộ Làng lụa Hội An xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm lụa châu Á tại thành phố có 1.000 cửa hàng may đo thời trang như Hội An? Lúc đó, Zhao Feng, giám tuyển của Bảo tàng tơ lụa quốc gia Trung Quốc, cũng thấy cuốn hút với Hoi An Silk village và muốn lụa Việt sớm trưng bày tại Hàng Châu.
Giờ thì câu trả lời đã có, khi làng lụa đã tạo nên sức hút, sống động.
Đón tiếp các phu nhân, phu quân lãnh đạo APEC tham dự Tuần lễ cấp cao APEC đến tham quan Làng lụa Hội An
Đón tiếp các phu nhân, phu quân lãnh đạo APEC tham dự Tuần lễ cấp cao APEC đến tham quan Làng lụa Hội An ẢNH DO LÀNG LỤA HỘI AN CUNG CẤP
Bảo tàng độc đáo
“Các bạn, đây là bộ sưu tập những cây dâu cổ thụ có tuổi đời trên 300 năm, giống dâu của một dân tộc có tên gọi Champa. Những cây dâu nhỏ bé còn sót lại rất quý hiếm, là biểu tượng của nghề dệt lụa người Chăm tại đây. Tôi tin chắc đây là những cây dâu duy nhất của một giống dâu đã tuyệt chủng nguồn gien”.
Những thông tin thú vị này từng được chia sẻ trước 70 hội viên Hiệp hội tơ lụa thế giới và 300 doanh nhân đến từ Ấn Độ, Ý, Pháp, Thái Lan, Brazil, Singapore, Nhật Bản… cũng tại diễn đàn tơ lụa dạo đó. Những gốc dâu tuyệt chủng nguồn gien kia đã trở thành “hiện vật” quý và bén rễ tại bảo tàng lụa nằm cách trung tâm phố Hội chừng 1km. Thêm vườn dâu truyền thống Quảng Nam, mỗi năm thu 8 lứa lá để nuôi 8 lứa tằm. Có gian thờ Bà chùa Tàm tang Đoàn quý phi. Có không gian văn hóa dệt Chăm với gia đình nghệ nhân đến từ Ninh Thuận. Có không gian trưng bày bộ sưu tập khung cửi Cửu Diễn… Thêm “Không gian lụa Lý” để vinh danh những người giữ nghề như ông Hồ Viết Lý, nhắc nhớ một người xứ Quảng từng dệt lụa may áo cho các nguyên thủ quốc gia.
Tâm huyết kết nối nghề tơ lụa hiện đại với lịch sử 300 năm trước đã hiển hiện trên chính Làng lụa Hội An. Nơi đây, đã có đến 3 kỳ festival tơ lụa VN - thế giới lần lượt được mở vào các năm 2014, 2016 và 2017, trở thành nơi tụ hội của người mê lụa đến từ 17 quốc gia. Các lễ hội ấy đã làm “điểm tựa” để đưa 15.000 tấn tơ Bảo Lộc, Quảng Nam và các làng lụa phía Bắc ra với thị trường tơ lụa quốc tế. “Thật tuyệt vời khi chúng tôi mở ra bức tranh lụa Việt và kết nối với thế giới. Năm 2019 sẽ lại mở festival rất lớn nữa, còn từ ngày 17 đến 20.8 sắp tới đây Làng lụa Hội An tiếp tục kết nối giao thương nhân lễ hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật”, ông Lê Thái Vũ thổ lộ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Làng lụa Hội An đón tiếp các phu nhân, phu quân lãnh đạo APEC 
Phục sinh các biền dâu
Tháng 9.2018, biền dâu Gò Nổi sẽ cho mí tằm đầu tiên từ dự án lớn: Dòng sông lụa. Vậy là câu chuyện “phục sinh” các biền dâu ven sông Thu Bồn của ông chủ Công ty CP tơ lụa Quảng Nam dần thành hình, bắt đầu từ biển lụa Duy Xuyên - tên khu du lịch phía nam cầu Cửa Đại cho đến các dự án thành phần khác lạ: biền dâu Gò Nổi, quê lụa Mã Châu, bảo tàng ươm tơ Giao Thủy, bãi dâu Đại Lộc…
Rất nhiều kỳ vọng được gửi gắm vào đây, khi hoạt động trình nghề trồng dâu trên ruộng, nuôi tằm, ươm tơ, xe chỉ, dệt vải, may đo… sẽ trả lại cho quê lụa tiếng thoi đưa, rồi chính tiếng thoi ấy giúp tạo ra sinh kế mới. Một khi các biền dâu phục sinh, sẽ tái hiện “bến đò tơ” Giao Thủy và thấp thoáng làng lụa Mã Châu vang bóng mấy trăm năm trước. Một ý tưởng táo bạo để phục sinh nghề tơ lụa ngay trên vùng đất được coi là trung tâm tơ lụa Quảng Nam trong các thế kỷ trước. Trong hình dung của ông Vũ, chỉ cần qua khỏi cầu Cửa Đại, vệt không gian từ đó kéo mãi lên đến vùng Gò Nổi sẽ “mênh mông lụa”. Ông bảo, đã đến lúc muốn quay về khai thác sâu hơn giá trị Việt…
Đó là một phần của tương lai lụa Việt. Và khi ấy, Làng lụa Hội An tiếp tục nhận lãnh vai trò đặc biệt của một trung tâm thông tin, trung tâm hội thảo. Trở thành thành viên Hiệp hội tơ lụa thế giới từ năm 2015, Làng lụa Hội An dĩ nhiên sẽ vẫn là trung tâm kết nối với người yêu lụa quốc tế tại xứ Quảng. Từ điểm hẹn này, theo bước chân du khách, câu chuyện lụa Việt sẽ còn lan xa…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.