Đây là cao tốc đầu tiên trên địa bàn tây sông Hậu, xây dựng trên mặt đất, cho nên bên cạnh sự "tò mò khoa học", đối chiếu hiểu biết lý thuyết (cao tốc đi qua một đồng lũ mà cao trình mặt đất thấp dần từ 0,8m ở điểm đầu xuống dưới 0,3m ở điểm cuối, nền đất từ yếu đến rất yếu) với thực tiễn, tôi còn muốn biết những gì sẽ gặp khi xây dựng các tuyến cao tốc khác, cũng trên mặt đất, có cùng điều kiện tự nhiên, ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Do các nút giao chưa thông nên đã vào ở Lộ Tẻ là phải đi suốt đến Rạch Sỏi. Cũng tốt vì như vậy chúng tôi có dịp "khảo sát" suốt dọc 51km tuyến cao tốc trên cả hai chiều đi và về, nhìn những cảnh quan đã bị cao tốc chia cắt thành hai phía thượng lưu và hạ lưu.
Từ 8 giờ đến 11 giờ, lưu lượng xe trên cả hai chiều không cao. Tốc độ xe của chúng tôi tối đa không quá 60 km/giờ. Không chờ đợi lâu, chúng tôi đã "nhảy dựng" hoặc "lên ruột" vì hai bên cống mặt đường lún khá sâu (như hình trên và dưới). Cũng không lâu, ngồi trong xe, chúng tôi cảm nhận xe đang chạy trên mặt đường lăn tăn gợn sóng. Khảo sát kỹ thì thấy mặt đường bị bong lên, với dấu vết của lún dọc, càng nhiều về phía mép đường, đồng thời với uốn nếp ngang. Một số nơi có các vết nứt đã được vá lại.
Sau hai năm rưỡi đưa vào sử dụng, tổng chiều dài sửa chữa cao tốc là bao nhiêu mét qua các đợt? Chắc chắn không ít. Các đội sửa chữa dĩ nhiên sẽ còn làm việc nhiều bởi lẻ chỉ trên địa bàn Kiên Giang, trên chiều dài 27,5 km có 17 cầu, 27 cống hộp, 37 cống tròn mà mố luôn cần được bù lún!
Trả lời chất vấn vừa qua Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tháng 10.2023, bộ sẽ tiến hành sửa chữa lớn cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và sẽ cho trải bê tông nhựa mặt đường cao tốc.
Điều chắc chắn là xây dựng trên nền đất từ yếu đến rất yếu, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ còn bị lún. Khi nào sẽ hết lún là điều chưa biết. Liệu có phải tháng 10.2023? Đường quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp song song với cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và ở về phía nam được đưa vào sử dụng năm 2013, nhưng năm sau năm nào cũng đều phải sửa chữa. Đến năm 2019 đại tu trong ba năm 2019 - 2022, chi phí 900 tỉ đồng, là một mốc để tiên liệu và so sánh cho cao tốc này và cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sắp tới.
Cắt ngang một đồng lũ, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cản lũ, sẽ tạo ra một chênh lệch mực nước vào mùa lũ giữa thượng và hạ lưu của cao tốc là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, trên một địa hình thấp dần về phía tây nam, lượng lũ bị chặn lại sẽ chảy dồn về phía Rạch Sỏi. Chế độ thủy văn phía nam vịnh Rạch Giá, vùng cửa hai sông Cái Bé và Cái Lớn chắc chắn sẽ khác trước.
Cao tốc đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã xây trên mặt đất, không thể nhổ nó đưa lên cao, để tránh lún, để không cản lũ, để không chia cắt đồng ruộng, để tiết kiệm đất nông nghiệp (không có số liệu, nhưng chắc không nhỏ vì chi phí giải phóng mặt bằng bằng 19,57% tổng mức đầu tư, và bằng 30,45% chi phí xây lắp).
Không thể nhấc cao tốc lên cao, nhưng tôi tự hỏi nếu làm đoạn cao tốc này trên cầu cạn, (toàn bộ hay nhiều đoạn) thì sao? Dữ liệu có sẵn, so sánh toàn diện hai phương án, một đã có sẵn cứ tiếp tục cho đến khi hoàn tất, và một giả sử, so sánh cho cả vòng đời của cao tốc, kể cả chi phí bù lún, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, và hệ quả của các tác động về môi trường, kinh tế, xã hội là cần làm và đáng làm. Kết luận sẽ là những thông tin có cơ sở để xã hội yên tâm với các cao tốc sẽ được xây dựng thông suốt và bền vững ở Tây sông Hậu sắp tới đây.
Việt Nam có bao nhiêu cây số đường cao tốc?
Bình luận (0)