Thảo luận về dự thảo luật Căn cước công dân chiều 22.6, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cơ bản tán thành việc dự thảo quy định 24 nhóm dữ liệu công dân được tích hợp vào thẻ căn cước.
Song bà Thủy cũng băn khoăn ngoài thông tin trên còn thu thập tích hợp cả các thông tin khác của công dân được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. “Đề nghị cân nhắc thêm, vì chuyên ngành rất nhiều như bảo hiểm, y tế, chứng khoán… Ví dụ Bộ Tài chính ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, với các bộ ngành khác có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành”, đại biểu Thủy nêu.
Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngoài quản lý nhà nước, giúp người dân thực hiện các thủ tục mà không bị giới hạn về địa điểm. Tuy nhiên những thông tin này liên quan trực tiếp đến đời sống cá nhân riêng tư của người dân.
Ví dụ số điện thoại nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho người dân. Trong khi đó các cơ quan chuyên ngành chỉ khai thác dữ liệu chuyên ngành, ví dụ cảnh sát giao thông khai thác thông tin về giấy phép lái xe, địa chính khai thác đất đai, nhà cửa… Bà Thủy cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, vì dự thảo luật quy định chủ thể được khai thác dữ liệu mà không quy định về phạm vi các chủ thể được khai thác là quá rộng.
Về các thông tin trên thẻ CCCD, dự thảo điều chỉnh bỏ quê hương, quê quán. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị không bỏ thông tin này, vì chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được khai thác thông tin trong thẻ căn cước, những đơn vị khác không được khai thác. Vì thế cần để lại thông tin được thiết kế trên thẻ để nhận diện lai lịch một người.
Đặc biệt, điều 21 của dự thảo luật về giá trị của thẻ căn cước được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài có ký kết điều ước cho phép. Song theo bà Thủy, vấn đề này liên quan đến hướng dẫn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), quy định những thông tin bắt buộc về dữ liệu hộ chiếu như số, loại, mã số, chữ ký chủ hộ chiếu.
“Hướng dẫn của ICAO có giá trị với mọi các quốc gia và hãng vận chuyển. Nhưng điều 16 và 19 của dự thảo quy định về dữ liệu căn cước và thẻ căn cước hoàn toàn không có thông tin về hộ chiếu, nên không sử dụng để thay cho hộ chiếu được. Cần nghiên cứu cho phù hợp trong trường hợp muốn sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu”, đại biểu Thủy nêu.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Đề nghị công an chụp ảnh căn cước cho đúng và đẹp
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại cho rằng, việc quy định 24 khoản thông tin của công dân trong căn cước là quá nhiều. Nhiều khoản trùng lắp, không cần thiết như nhóm máu, nơi ở hiện tại (công dân có thường trú tạm trú), số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm chết hoặc mất tích, tình trạng khai báo tạm vắng...
“Nghề nghiệp có thể thay đổi theo thời gian. Còn ADN thì không phải ai cũng đi xét nghiệm, nếu buộc xét nghiệm rất tốn kém”, ông Hòa nói và đề nghị quy định thông tin cá nhân trong dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước của cá nhân phải được bảo vệ mật. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về bảo mật nếu thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài, khiến kẻ xấu lợi dụng ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người dân.
Với đề xuất cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi, theo ông Hòa, cần quy định độ tuổi tối thiểu, không thể trẻ mới sinh cũng làm căn cước công dân. Ví dụ có thể quy định cấp thẻ với trẻ từ 6 đến 14 tuổi.
Bình luận (0)